Đầu tư công là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế bởi đây là gói kích cầu nội địa lớn nhất hiện nay, là nền tảng cho tăng trưởng 2021 và những năm tiếp theo.
LTS: Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và những giải pháp đối phó với đại dịch trong báo cáo của Chính phủ. Đặc biệt, Quốc hội sẽ bàn thảo những giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của nước ta rất lớn. Khó để tìm ra quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành có một dự án như Việt Nam.
"Không thể bổ đều"
Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước ở các quốc gia trên thế giới hầu như chỉ tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa, có tính tác động toàn xã hội. Có những quốc gia, một năm chỉ tập trung vài ba dự án lớn. Do đó, phải có một trật tự ưu tiên và lộ trình phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm thì mới có thể tạo nên hiệu quả thực sự của đầu tư công.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, GDP 6 tháng ước tăng 5,64%, tốc độ tăng gấp ba lần mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Riêng trong quý II, GDP ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 và gần bằng tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
Cũng theo GSO, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,17%, khu vực công nghiệp và xây dựng góp hơn 59%, còn khu vực dịch vụ đóng góp 32,78%. Như vậy, bất chấp giai đoạn tăng giá hàng hóa nguyên vật liệu vừa qua đặc biệt trong 3 tháng đầu năm, công nghiệp và xây dựng đã đóng góp lớn cho mức tăng chung. Theo đó, đóng góp của đầu tư công – liên quan đến xây dựng, đã cho thấy đây chính là trọng tâm “kích” sự lan tỏa của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại đã kéo chậm nhịp của nhiều khu vực khác.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, “kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra”.
Xây cơ chế, tạo vốn mồi
Trên thực tế, đầu tư công chỉ tăng trưởng mạnh trong quý II/2021, khi trước đó, hoạt động khu vực này đã ì ạch, chậm trễ rất xa so với kế hoạch ở quý I. Trong đó, các dự án trọng điểm của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý giải ngân có tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất. Theo Bộ này, đó là 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ước 6 tháng giải ngân được 6.935/14.981 tỷ đồng (đạt trên 46% kế hoạch). Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giải ngân được 900/1.811 tỷ đồng (đạt 49% kế hoạch).
Trước đó, đánh giá về kế hoạch đầu tư công của Việt Nam trong 5 tháng, World Bank cho việc giải ngân tiếp tục chậm đã làm giảm tổng chi ngân sách Nhà nước. WB khuyến nghị, Chính phủ bên cạnh việc củng cố dư địa tài khóa, có thể xem xét chuyển sang chính sách tài khóa thích ứng hơn bằng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để thúc đẩy nhu cầu trong nước...
Để thực hiện mục tiêu tăng tốc đầu tư công, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Chính từ nghị quyết này, một trong những yếu tố quyết định tiến độ và hiệu quả của đầu tư công là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Trên thực tế cùng một thể chế, cùng một chính sách như nhau, nhưng có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản và khắc phục được những nguyên nhân về thể chế, khách quan, chủ quan… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Từ đó, cần rút ra bài học từ những địa phương, ngành đã giải ngân tốt và đưa những kinh nghiệm đó, chuyển ngay những kinh nghiệm đó cho các địa phương khác.
Ở đâu có vốn thì ở đấy phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công vào là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế và chính lợi ích của địa phương, của ngành đó.
Có thể bạn quan tâm
Không tạo áp lực trả nợ từ đầu tư công
14:40, 24/07/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 23/07: Tăng tốc đầu tư công
05:16, 23/07/2021
Đẩy mạnh giải ngân vốn “mồi” đầu tư công
10:36, 22/07/2021
Quảng Ninh: Điều chuyển hàng loạt vốn dự án đầu tư công
04:20, 21/07/2021
Tăng tốc cho đầu tư công
04:00, 18/07/2021
KINH TẾ CUỐI TUẦN: Đầu tư công - nền tảng tăng trưởng kinh tế cuối năm
02:00, 10/07/2021