Tăng trưởng GDP không quá bất ngờ

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh 31/03/2018 05:34

Mức tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38% là tín hiệu đáng mừng, là bước tăng trưởng có cơ sở và căn cứ. Tuy nhiên, không thể quá lạc quan, những lực cản cho tăng trưởng vẫn còn quá lớn.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhưng không hẳn vượt ngoài dự tính. Bởi cuối năm 2017, đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng báo trước, do đó, những tháng đầu năm 2018 đã tiếp đà này.

p/Tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%, mức tốt nhất trong 10 năm qua. Nguồn: Báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%, mức tốt nhất trong 10 năm qua. Nguồn: Báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lạm phát ổn định, CPI bình quân 3 tháng đầu năm tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng cao có cơ sở

Tăng trưởng quý I không quá bất ngờ, có cở sở và căn cứ. Bởi quý I ghi nhận sự đóng góp cao của các khu vực cấu thành truyền thống như công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ vẫn là khu vực thể hiện sự dẫn dắt tăng trưởng. Cụ thể, khu vực nông nghiệp tăng 4,05% đóng góp 0,46 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% đóng góp 3,39 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 6,7% đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Con số tăng trưởng quý đầu năm 2018 theo đó còn liên quan tới niềm tin của thị trường. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, Chính phủ quyết tâm giữ ổn định phát triển kinh tế vĩ mô, đồng thời không đánh đổi lấy mục tiêu tăng trưởng, không tăng trưởng bằng mọi giá.

Bên cạnh đó, khi so sánh mức tăng trưởng 7,38% là mức tăng cao nhất trong quý I của 10 năm qua, cần nhìn nhận bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2008. Đây là thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây là một năm đặc biệt, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao ở quý I là 7,4%, còn các quý sau lại tăng trưởng chậm hơn. Yếu tố khách quan là khủng hoảng, còn chủ quan phải thẳng thắn là sự lúng túng trong công tác điều hành.

Có thể bạn quan tâm

  • GDP quý I bứt phá mạnh mẽ

    10:12, 29/03/2018

  • NCIF nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 lên mức 6,83%

    06:10, 21/03/2018

  • Tăng trưởng GDP quý 1/2018 sẽ tương đương nửa cuối năm 2017

    05:42, 02/03/2018

  • GDP năm 2018: Có thể sẽ vượt mức 6,7%?

    21:41, 02/02/2018

  • Tăng trưởng GDP 2018: Ngành nào sẽ bứt phá?

    09:44, 22/01/2018

Cảnh báo vòng tròn khủng hoảng

Do đó, cần cảnh báo trước về sự tăng trưởng kinh tế trong chu kỳ lặp lại có thể xảy ra ở năm 2018 này. Con số 7,38% cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo duy trì của các thành phần cấu thành trong đó là thực.
Đặc biệt, áp lực đặt ra, các quý sau của năm 2018 phải có mức tăng trưởng ổn định hoặc tăng, phải đảm bảo được quy luật tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tránh rơi vào vòng tròn khủng hoảng lặp lại của kinh tế năm 2008.

Mặc dù năm 2018 chưa có những dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng, tuy nhiên, áp lực đã lộ diện, phải có sự nhận biết dấu hiệu từ bài học năm 2008 và có những biện pháp đối phó. Cụ thể, có rất nhiều áp lực kìm hãm sự tăng trưởng của GDP năm nay. Áp lực thứ nhất là năng suất lao động của người Việt còn thấp, khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN, thậm chí thấp hơn cả Lào.

Bên cạnh đó, vấn đề thể chế kinh tế, cơ chế, điều kiện kinh doanh còn nặng nề. Đặc biệt, vấn đề về tham nhũng, hối lộ còn rất phổ biến… khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao.

Ngoài ra, cơ hội từ các hiệp định thương mại cũng song hành với nhiều thách thức, tạo sức ép cho sự phát triển kinh tế. Đơn cử, cá tra, thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị chịu thuế suất cao.

Tất cả những áp lực này có thể kéo Việt Nam vào vòng xoáy không lường trước được. Vì vậy, không nên quá chủ quan để tạo ra một sự hứng khởi quá đáng, mà phải xem xét mặt chưa làm tốt được để tăng cường phát triển.

TS Lê Đăng Doanh- Chuyên gia kinh tế: Áp lực lên lạm phát

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, sẽ có nhiều áp lực lên lạm phát. Mà đặc biệt là xu hướng bảo hộ gia tăng và nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại. Đồng thời, trong nước lạm phát chịu áp lực từ giá dịch vụ y tế và giáo dục, giá điện nhiều năm không tăng cũng có thể sẽ tăng...

Do đó, không thể chủ quan, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục tạo môi trường kinh doanh ổn định, để duy trì tăng trưởng các quý sau và đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra.

Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương):
Phụ thuộc nhiều vào FDI

Đóng góp vào sự tăng trưởng quý I năm nay phải kể đến lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chủ yếu từ công nghiệp chế tạo với mức tăng 11%. Tuy nhiên, phần lớn lại đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là điều đáng lo ngại.

Hiện các Công ty FDI vẫn chiếm hơn nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta vẫn chưa tận dụng được những cơ hội cho riêng mình. Sự đóng góp vào ngân sách của khối FDI còn thấp, trong khi đó Việt Nam lĩnh hội từ việc chuyển giao công nghệ từ FDI sang gần như không có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng trưởng GDP không quá bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO