Đó là khẳng định của ông James Bullard, Chủ tịch FED St. Louis và ông Robert Kaplan, Chủ tịch FED Dallas khi đề cập đến những tín hiệu tích cực trên thị trường lao động của Mỹ thời gian qua.
Chính kỳ vọng của thị trường về việc lạm phát và lãi suất cơ bản của Mỹ tăng cao đã khiến thị trường chứng khoán thế giới “đỏ lửa” trong một số phiên giao dịch vừa qua. Giới phân tích cho rằng, nhận định của ông Bullard đã phần nào giải tỏa lo ngại của các nhà đầu tư chứng khoán, giúp thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm trở lại trong phiên hôm qua.
Thị trường lao động Mỹ khởi sắc
Trong tháng 1/2018, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ đạt 200.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức thấp 4,1%, và thu nhập bình quân hàng giờ tăng 2,9%, mức cao nhất trong 8,5 năm qua.
Khảo sát của Reuters đối với các doanh nghiệp Mỹ trên toàn quốc cho thấy, tiền lương trong các ngành từ sản xuất đến công nghệ, bán lẻ,… đều có sự tăng trưởng tốt.
Theo đó, khoảng 50% trong số 50 tiểu bang có mức chi trả tiền lương trung bình tăng hơn 3% trong năm ngoái, trong khi mức tăng tiền lương chỉ ghi nhận ở 17 tiểu bang năm 2016, 12 tiểu bang năm 2015 và 3 tiểu bang năm 2014. Bên cạnh đó, mức tăng tiền lương hàng tuần được ghi nhận ở 30 tiểu bang trong năm 2017, cũng tăng về số lượng tiểu bang so với những năm trước đó.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp kỷ lục ở 17 tiểu bang, tăng 6 tiểu bang so với năm 2016.
Đặc biệt, California, Arkansas và Oregon là 3 trong số các tiểu bang có mức tăng trưởng tiền lương trên 3% và mức tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục.
Quan điểm thận trọng
Trong khi phần lớn các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng việc làm và tiền lương của Mỹ sẽ khiến lạm phát tăng cao, buộc FED phải đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất, thì ông Bullard lại cho rằng, điều đó sẽ không đẩy lạm phát tăng mạnh.
Ông Bullard cho rằng, lạm phát vẫn ở mức thấp dù thị trường lao động tăng trưởng tích cực hơn nữa. “Tôi rất thận trọng khi đánh giá tác động của thị trường lao động Mỹ đến áp lực lạm phát”, ông Bullard nhấn mạnh và cho biết, quan hệ giữa các biến số kinh tế này đã bị phá vỡ trong những năm qua và đến nay gần như không có tác động qua lại lẫn nhau.
Ông Bullard cho biết, ông đang nghi ngờ về những nhận định của các chuyên gia kinh tế về việc áp lực lạm phát của Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, những chỉ số đo lường kỳ vọng lạm phát dựa vào tín hiệu thị trường có thể sẽ cảnh báo về áp lực lạm phát trong tương lai.
“Các chỉ số này cho thấy áp lực lạm phát đang tiến dần tới mức mục tiêu 2% của FED, nhưng hiện vẫn còn thấp”, ông Bullard cho biết.
Đồng quan điểm, ông Kaplan cũng cho rằng, tăng trưởng tiền lương không hoàn toàn dẫn tới lạm phát cao hơn như một số chuyên gia cảnh báo.