Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế...
Du lịch Việt những năm gần đây được đánh giá là điểm sáng của “bức tranh” kinh tế, sự tăng trưởng của ngành này đã tác động lan tỏa sâu rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Thống kê cho thấy, năm 2024, Việt Nam đón khoảng 110 triệu lượt khách nội địa và 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 38,9%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%). Đáng nói, trong ba năm 2017-2019, ngành du lịch đã đóng góp 9,2% vào GDP.
Đặc biệt, trong nỗ lực vươn mình, ngành du lịch đặt mục tiêu sẽ phục hồi hoàn toàn như trước dịch trong năm 2025; duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm, đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp.
Đến năm 2030, đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu đóng góp GDP khi đó là 10-13% và tạo ra hơn 10 triệu việc làm, trong đó có 3,3 triệu việc làm trực tiếp.
Nhìn nhận về thực tế phát triển của ngành du lịch Việt Nam, không ít ý kiến cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tiếp tục tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế...
Theo ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, ngành du lịch Việt đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển. Công tác quản lý Nhà nước chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách; du lịch nông nghiệp, nông thôn…
“Để tháo gỡ cần có sự đột phá ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Phạm Văn Thủy chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel, sau đại dịch, hiện các quốc gia đang cạnh tranh du lịch thông qua 4 hình thức: chính sách, xúc tiến, quảng bá - truyền thông và thế mạnh quốc gia.
Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại sức mạnh cạnh tranh trong chính sách với các nước trong khu vực, xem lại những bất cập của Luật Du lịch 2017, từ đó tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần đánh giá lại nguồn lực tài chính, chính sách và nhân lực.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ, như một số nội dung trong Luật như: chưa bao quát đầy đủ các loại hình lưu trú mới (bãi cắm trại du lịch, famstay, khách sạn bệnh viện, capsule hotel - buồng kén, mô hình kinh doanh dịch vụ căn hộ du lịch); chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cho một số loại hình du lịch như du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp, làng văn hóa du lịch; thành phần hồ sơ cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành còn khá đơn giản, mức tiền ký quỹ thấp, chưa bảo đảm cho quyền và lợi ích của khách du lịch nếu sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn về du lịch với các cơ sở đào tạo trong việc xác minh tính pháp lý của văn bằng, chứng chỉ… Những điều này gây khó khăn trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch, chính sách thu hút đầu tư du lịch.
Các chính sách ưu đãi về phát triển du lịch còn ít, chậm triển khai, thời gian hỗ trợ ngắn, hiệu quả chưa cao. Quy định về đăng ký kinh doanh và quản lý dịch vụ qua các nền tảng trực tuyến Airbnb, Agoda, Booking.com… chưa rõ ràng và chưa đồng bộ với các quy định pháp luật…
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu về tăng trưởng thị trường quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam cần lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng. Đặc biệt, cần phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn về kìm hãm đầu tư phát triển du lịch.