Những chuyển biến tích cực của nền kinh tế qua sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều động lực mới.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 vào 10 tháng đầu năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/11 cho thấy, cả nước có gần 14.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 153.500 tỷ đồng, tăng 26,5% về số doanh nghiệp và tăng 65,4% về vốn đăng ký so với tháng 9/2024.
Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách nhấn mạnh: doanh nghiệp khó khăn sẽ có tác động nhất định đến các chỉ tiêu vĩ mô. Do vậy, duy trì hỗ trợ nâng cao năng lực, mở rộng quy mô và phát triển doanh nghiệp là cần thiết để hướng tới những kỳ vọng trong kỷ nguyên vươn mình với nền kinh tế tự chủ và khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm bổ sung cho nền kinh tế trong năm 2025 vẫn thấp hơn so với trung bình năm trong giai đoạn 2020 - 2023. Khó khăn của doanh nghiệp được nhận diện thế nào, thưa ông?
Trong năm 2024 với rất nhiều khó khăn song kinh tế tư nhân đã có sự phục hồi, tỷ lệ đóng góp của khu vực này vào ngân sách nhà nước đã tăng lên đáng kể trong bối cảnh tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI và khu vực kinh tế nhà nước có giảm đôi chút. Điều này mang đến hy vọng về sự hứng khởi, tự tin hơn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước.
Tuy vậy, “sức khoẻ” doanh nghiệp phục hồi chưa bền vững thể hiện ở việc tỷ lệ doanh nghiệp ngừng, rút lui vẫn tăng trong khi tỷ lệ thành lập mới chưa đột phá như giai đoạn trước dịch COVID-19, phản ánh những khó khăn chung của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME.
Đó là, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn rủi ro, những rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính có xu hướng tăng do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu, không nhiều nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong đó, các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho mô hình sản xuất kinh doanh mới chậm được ban hành có thể khiến doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời các cơ hội đầu tư. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn phức tạp, phân mảnh của địa chính trị thế giới có thể kéo theo xu thế thương mại không bền vững có thể làm suy giảm năng lực cạnh tranh của những nền kinh tế mới nổi, trong đó có kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Những rủi ro khác có thể kể đến là biến đổi khí hậu làm tăng ác chi phí đẩy trong thương mại và xuất nhập khẩu hàng hoá; sự thay đổi chính sách tiền tệ và tài chính của các nền kinh tế thế giới… Những thách thức trên đã tạo áp lực lớn khiến doanh nghiệp trở nên nhạy cảm hơn trước các biến động, dần suy giảm khả năng tự cường và phục hồi.
- Liên quan đến động lực từ cải cách thể chế như ông vừa đề cập, năm 2024 ghi nhận số lượng dự án luật được xây dựng mới tăng hơn 3 lần so với năm trước. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đang xem xét, sửa đổi nhiều quy định liên quan đến kinh tế, đầu tư, tài chính… Ông kỳ vọng gì từ động lực tăng trưởng này cho doanh nghiệp trong năm 2025?
Cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết nhằm khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh. Với nhiều luật quan trọng được xây dựng và có hiệu lực từ nửa cuối năm 2024 và năm 2025, thể chế cho sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ thông thoáng và cởi mở hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi cần tiếp tục rà soát, loại bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh chưa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư theo chuẩn mực quốc tế, gây khó khăn phiền hà và làm tăng chi phí tuân thủ chính sách pháp luật của doanh nghiệp. Đồng thời, trước khi ban hành quy phạm pháp luật cần có sự tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động cũng như đánh giá toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục để đảm bảo tính khả thi của văn bản cũng như tạo động lực tăng trưởng, củng cố niềm tin kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong thời gian tới, nền kinh tế có nhiều chuyển đổi thích ứng với xu thế mới của toàn cầu. Để pháp luật theo kịp sự thay đổi trên, ngoài việc sửa đổi, hoàn thiện các dự án Luật, Quốc hội và Chính phủ nên đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ chế thí điểm thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình kinh tế mới, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Trên cơ sở đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vừa đảm bảo sự ổn định và phát triển chung của nền kinh tế vừa hài hoà lợi ích của các bên liên quan.
- Những chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp trong năm 2025, theo ông cần thực hiện như thế nào để đúng đối tượng và trúng mục đích?
Trong những năm vừa qua, Chính phủ có nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi thông thoáng cho các hoạt động khởi sự, đăng ký kinh doanh mới. Tuy vậy, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, từ doanh nghiệp nhỏ phát triển lên doanh nghiệp trung bình, doanh nghiệp vừa và lớn. Có như vậy mới đạt được kỳ vọng cho kỷ nguyên vươn mình với nền kinh tế tự chủ và khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh.
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, cần thúc đẩy thị trường sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua việc khai thác hiệu quả hơn các FTA, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; tận dụng tối đa lực đẩy từ cầu bên ngoài để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia xuất khẩu với giá trị cao hơn, tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…
- Trân trọng cảm ơn ông!