Du lịch

Tạo sức sống mới cho du lịch làng nghề truyền thống Hải Phòng

Minh Huệ 01/04/2025 03:26

Với 40 làng nghề, trong đó có hàng chục làng nghề truyền thống tuổi đời hàng trăm năm, Hải Phòng có tài nguyên phát triển du lịch từ những làng nghề này.

Tiềm năng lớn

Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn về kinh tế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời trực tiếp góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp “đánh thức” các tiềm năng nội tại.

Du lịch nông thông làng Việt Hải - Cát Hải - Hải Phòng
Du lịch nông thông làng Việt Hải - Cát Hải - Hải Phòng

Để phát huy giá trị tài nguyên này, cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác phục vụ du lịch bằng sự độc đáo, mang đậm nét giá trị truyền thống, văn hóa bản địa, khiến du khách luôn cảm thấy sự khác biệt khi tham quan, trải nghiệm.

TP Hải Phòng có nhiều làng nghề được hình thành từ hàng trăm năm như: Sơn mài điêu khắc Bảo Hà, con giống Nhân Mục (huyện Vĩnh Bảo), chiếu cói Lật Dương (huyện Tiên Lãng)….

Bên cạnh đó, địa phương này hiện cũng đang có 5 tuyến du lịch và 14 điểm du lịch được công nhận, trong đó, có các tuyến du lịch gắn với khu vực nông thôn như: Kiến An - An Lão - Tiên Lãng - Vĩnh Bảo; Kiến Thụy - Đồ Sơn; Trung tâm thành phố Hải Phòng - Thủy Nguyên.

Đặc biệt, để phát huy tiềm năng du lịch và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, ngành du lịch đã lựa chọn địa điểm tại các huyện như: Cát Hải, Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo… để xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.

Theo thống kê toàn thành phố có 74 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác, 11.684 hộ gia đình tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn. Tổng số lao động là 23.798 người, trong đó, 20.256 người là lao động thường xuyên và 2.342 người lao động thời vụ.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, du lịch nông thôn tại TP Hải Phòng đang có vị trí quan trọng, góp phần làm phong phú loại hình và đa dạng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách. Trong đó, nghệ thuật dân gian truyền thống với các làn điệu dân ca, các tích chèo, múa rối nước… là những “món ăn” không thể thiếu cho du lịch nông thôn và đang được thành phố định hướng đầu tư để phát huy tối đa lợi thế.

Làng nghề thủ công điêu khắc Bảo Hà, xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo) là ví dụ điển hình. Cho đến nay làng nghề này đã tồn tại gần 700 năm. Bà Nguyễn Hải Hà – Giám đốc Hải Hà Travel chia sẻ: Đến Bảo Hà ngày nay, du khách có thể tận mắt chứng kiến các nghệ nhân chế tác những sản phẩm rất nổi tiếng như hoành phi, câu đối, tượng thờ, cuốn thư, đại tự... Ngắm những người thợ Bảo Hà làm việc mới thấy sự tài hoa hiển hiện trên từng đường đục, nét chạm. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng chưa khi nào tiếng đục, tiếng búa thôi vang lên trên khắp các thôn xóm ở đây.

Được biết Bảo Hà là một trong những làng nghề truyền thống điển hình của thành phố Hải Phòng vẫn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, thích hợp để phát triển du lịch. Tuy giàu tiềm năng là thế, song du lịch làng nghề vẫn chưa trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương này.

Được biết, từ năm 2005, làng nghề tạc tượng Bảo Hà trở thành một trong những điểm đến của Chương trình du khảo đồng quê của TP Hải Phòng. Song từ đó đến nay, mỗi năm làng chỉ đón hơn chục đoàn khách du lịch đến tham quan theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Những chuyến du khảo vội vã khó đọng lại dấu ấn đối với du khách. Tình hình tại các làng nghề khác còn èo uột hơn. Theo các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố, hiện nay số khách đăng ký tua du lịch tham quan làng nghề chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số khách đến Hải Phòng.

Làng nghề bánh đa truyền thống Lạng Côn - Hải Phòng
Làng nghề bánh đa truyền thống Lạng Côn - Hải Phòng

Thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch

Ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, Sở đang nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh phối hợp Hội Nông dân thành phố tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho các chủ trang trại, gia trại, homestay, farmstay nhằm đáp ứng kỹ năng phục vụ du khách… Chính những người đang trực tiếp lao động, sản xuất tại làng nghề sẽ đóng vai trò truyền tải trực tiếp đến với du khách những “hồn xưa, nét cũ” của làng nghề.

Ông Nghiêm Trọng Đức – Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch Hải Phòng chia sẻ: Thực tế, nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài rất thích khám phá vùng nông thôn và các làng nghề truyền thống khi đến với Hải Phòng. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch và kết nối nên các sản phẩm du lịch làng nghề trở nên nghèo nàn, đơn điệu, dần dần mất đi sự hấp dẫn đối với du khách. Các công ty lữ hành mới chỉ dừng lại ở việc đưa khách đến tham quan các sản phẩm của làng nghề, rồi giới thiệu về lịch sử làng nghề, nghĩa là chỉ khai thác những giá trị “bề nổi” của làng nghề. Điều du khách muốn trải nghiệm không phải là những sản phẩm nghề mà là văn hóa, lịch sử, cũng như cảnh quan, thậm chí là phong tục, tập quán, nếp ẩm thực của người dân làng nghề. Như vậy mới đúng nghĩa khám phá không gian làng nghề truyền thống.

Để tạo sức sống mới cho du lịch làng nghề, Hải Phòng xác định sẽ dồn lực cho việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1246/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030.

Trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn thành phố có ít nhất 20 điểm du lịch nông thôn độc đáo, khác biệt để thu hút khách du lịch. Trong thời gian tới, thành phố huy động nguồn lực đầu tư hơn 100 tỷ đồng để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn. Phần lớn nguồn lực sẽ được huy động xã hội hóa để xây dựng, phát triển và mở rộng các làng nghề, sản phẩm phục vụ du khách; xây dựng và khai thác các điểm, tuyến du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ một phần đầu tư các hoạt động khuyến nông, thông tin tuyên truyền và tập huấn nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động nông thôn...

Với sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố bằng cách làm bài bản, quy mô, sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp, làng nghề trong việc phát triển du lịch nông thôn, các giá trị di sản của làng nghề sẽ có cơ hội được phát huy tốt trong thời gian tới. Qua đó, vừa góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, vừa trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút thêm du khách đến với Hải Phòng.

Để thúc đẩy phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, Thành phố Hải Phòng cũng khuyến khích hỗ trợ đầu tư cho các nghề truyền thống đã bị mai một và phát triển các làng nghề có tiềm năng kết hợp du lịch cũng như tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các cơ sở.

1(5).jpg
Hải Phòng có tài nguyên phát triển du lịch từ những làng nghề truyền thống

Song song với đó, cần xây dựng các làng nghề mới gắn với du lịch cộng đồng tại các xã trên địa bàn huyện Cát Hải. Tổ chức các tuyến du lịch làng nghề kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du khảo đồng quê. Tập trung quảng bá các sản phẩm làng nghề nằm trong các tuyến du lịch.

Cuối cùng là tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại làng nghề và tổ chức các khu vực tập trung các cửa hàng bán sản phẩm của làng nghề. Cùng với đó là xây dựng các xưởng, khu sản xuất đủ điều kiện làm điểm du lịch để tổ chức tham quan cho khách du lịch trong, ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạo sức sống mới cho du lịch làng nghề truyền thống Hải Phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO