Sau hơn hai năm có mặt tại Việt Nam, “gã khổng lồ” trong ngành hàng tiêu dùng nhanh Thổ Nhĩ Kỳ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.
>>>Hayat tham vọng thống trị thị trường tã trẻ em
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ 2 ngày (29-30/11), Thủ tướng đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo Tập đoàn Hayat Holding và lãnh đạo Tập đoàn Turkish Airlines, theo Cổng Thông tin Chính phủ đã đưa tin.
Tại cuộc gặp với lãnh đạo Tập đoàn Hayat Holdings, Thủ tướng đã đánh giá cao hoạt động của công ty tại Việt Nam và đề nghị công ty hợp tác hơn nữa với các đối tác Việt Nam, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm công ty sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ làm cầu nối kết nối các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam cũng như chuyển giao công nghệ giúp các đối tác Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Về phần mình, lãnh đạo Tập đoàn Hayat cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam với thủ tục dễ dàng và lực lượng lao động lành nghề. Theo ông, Việt Nam là một trong những nơi hoạt động hiệu quả nhất của công ty trên toàn thế giới và xuất khẩu của Tập đoàn này từ Việt Nam ước đạt 35 triệu USD trong năm nay.
>>>“Cuộc hôn nhân” Masan MEATLife và De Heus: Vẹn cả đôi đường?
>>>Cuộc chơi lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của T&T Group
Dấu chân của Hayat tại Việt Nam
Trên thực tế, “gã khổng lồ” trong ngành hàng tiêu dùng nhanh Thổ Nhĩ Kỳ đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng việc xây dựng nhà máy Hayat Kimya với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD tại KCN Becamex Bình Phước vào cuối năm 2020 và mới được khánh thành vào đầu năm 2022.
Nhà máy này được Tập đoàn Hayat kỳ vọng sẽ là trung tâm sản xuất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, dự kiến xuất khẩu 40% sản lượng sang Thái Lan và Malaysia. Hayat cũng có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250.000 tấn/năm.
Theo Tập đoàn Hayat, châu Á sẽ là khu vực tăng trưởng dân số chủ yếu của toàn cầu trong vòng 50 năm tới. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những thị trường tã trẻ em tiềm năng nhất của khu vực với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt hai chữ số trong giai đoạn 2021-2027.
Ngoài ra, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng là một lý do đáng kể cho quyết định của Hayat. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang sở hữu một lực lượng lao động trẻ và sáng tạo, cùng với đó là sự ổn định về chính trị. Đặc biệt, Việt Nam đã ký nhiều FTAs với các đối tác lớn, trong đó có EU.
Theo ông Cetin Murat – Tổng Giám đốc Hayat Việt Nam, lý do chính mà Hayat chọn Việt Nam là bệ phóng cho mục tiêu tăng trưởng tại Đông Nam Á bởi “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư và hỗ trợ Tập đoàn Hayat mở rộng thị trường tại khu vực”.
Mới đây nhất, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Cổng Thông tin Chính phủ, ông cũng cho biết: “Chúng tôi luôn đánh giá kỹ lưỡng bối cảnh kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trước khi thực hiện đầu tư. Bất chấp thời điểm đại dịch khó khăn, chúng tôi vẫn nhận thấy khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, quyết định đầu tư của Hayat là một bước đi chiến lược, phản ánh niềm tin vào sự ổn định và kỳ vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam”.
Hayat có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, công ty bắt đầu hoạt động từ năm 1987 dưới sự quản lý của tập đoàn mẹ Hayat Holding, một doanh nghiệp lâu đời có lịch sử từ năm 1937 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến tới giai đoạn công nghiệp hóa.
Công ty bắt đầu kinh doanh ngành hàng tiêu dùng nhanh với sản phẩm chất tẩy rửa vào năm 1987. Mở rộng kinh doanh sản phẩm vệ sinh vào năm 1997 và tiếp theo là khăn giấy vào năm 2006. Công ty sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới với 16 thương hiệu và hơn 10.000 nhân viên.
Hiện tại, Hayat là nhà sản xuất tã lớn thứ 4 trên thế giới, đồng thời là nhà sản xuất khăn giấy lớn nhất ở Đông Âu, Trung Đông và châu Phi. Công ty tạo ra doanh thu 2,2 tỷ USD trên toàn cầu, với mức tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm trong thập kỷ qua, cạnh tranh với các đối thủ đa quốc gia lâu đời.
Có thể nói, dấu chân tại Việt Nam là chiến lược nối tiếp chặng đường thành công suốt hơn ba thập kỷ qua của Hayat tại các thị trường Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi. Hiện, Hayat cam kết đồng hành cùng nền kinh tế Việt Nam thông qua các cơ hội việc làm, hoạt động xuất khẩu và chuyển giao công nghệ. Công ty cũng dự định tái đầu tư vào Việt Nam để trở thành một trong những công ty chủ chốt trên thị trường ở mọi ngành hàng hiện có.
Tuy nhiên, Hayat có thể cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ tại thị trường Việt Nam và khu vực. Hiện tại, những mặt hàng kinh doanh chính của Hayat đang nằm trong tay những tên tuổi đình đám và bám rễ lâu năm như Kimberly Clark với Huggies, Procter & Gamble với Pamper, hay là Diana Unicharm với Bobby và KAO với Merries...
Có thể bạn quan tâm
Du khách Việt "thận trọng" với tour du lịch Thổ Nhĩ Kỳ
03:30, 16/02/2023
6-9/7: Doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ giao thương trực tuyến
18:13, 15/06/2021
Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam
16:00, 19/10/2021
1-5/2: Doanh nghiệp ngành Phụ tùng ô tô Thổ Nhĩ Kỳ giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan
15:22, 21/01/2021
Doanh nghiệp Việt cần thận trọng khi giao dịch tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ
00:00, 25/10/2019
Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá ống thép hàn không gỉ Việt Nam
00:10, 27/06/2020