Kinh tế

Tập trung phát triển hệ thống cụm công nghiệp

Lê Cường 17/07/2025 00:30

Thời gian qua, phát triển cụm công nghiệp đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.

Tạo không gian phát triển

Mới đây, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định số 32) về quản lý, phát triển cụm công nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành. Với nhiều điểm mới, Nghị định này được các địa phương kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo không gian phát triển cụm công nghiệp.

2(1).jpg
CCN Cẩm Thịnh đạt tỷ lệ lấp đầy các nhà đầu tư thứ cấp là 83,11% (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh xác định công nghiệp là một trong ba trụ cột tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp (KCN), tỉnh cũng đang tập trung phát triển hệ thống cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất quy mô vừa và nhỏ, phát triển làng nghề, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất địa phương, tạo đòn bẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

CCN Đông Mai, có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, do Công ty CP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương làm chủ đầu tư, với quy mô 16ha, tại phường Đông Mai. Theo Quyết định số 3611/QĐ-UBND (ngày 9/12/2024) của UBND tỉnh Quảng Ninh, CCN Đông Mai đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong năm 2025 và bắt đầu thu hút nhà đầu tư thứ cấp từ năm 2026.

Được triển khai xây dựng hạ tầng từ tháng 2/2025, tới nay các hạng mục chính như: San lấp mặt bằng, hệ thống đường nội khu, cấp thoát nước, điện, phòng cháy chữa cháy và xử lý nước thải đang được gấp rút triển khai. Dự kiến đến quý III/2025, toàn bộ phần hạ tầng kỹ thuật của CCN hoàn thành, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp. Anh Nguyễn Đức Thuận, Chỉ huy trưởng Dự án, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, cho biết: Đơn vị đang thi công 2,6km tuyến đường giao thông nội bộ nối các khu chức năng trong CCN tại phường Đông Mai. Hiện đơn vị tập trung tối đa nhân lực, máy móc, làm việc 2 ca liên tục, đảm bảo tiến độ theo đúng cam kết.

Đến nay, đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc, phần nền đường và hệ thống thoát nước cơ bản xong. Đơn vị đang gấp rút thi công lớp bê tông mặt đường và hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, dự kiến hoàn thành toàn bộ tuyến trong tháng 7 này.

Ông Nguyễn Thành Chung - đại diện đơn vị giám sát thi công Dự án CCN Đông Mai - Quảng Ninh, cho biết: Đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công. Hiện nay, các đơn vị thi công đang tăng tốc triển khai đồng loạt các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính. Với tiến độ hiện tại, đơn vị phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối tháng 9/2025, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch được giao, qua đó tạo điều kiện sớm thu hút và đón các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN Đông Mai.

Phát triển bền vững

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến hết năm 2023, cả nước đã thành lập được 1.062 cụm công nghiệp, trong đó 705 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, chiếm 66,4% số cụm công nghiệp đã thành lập; thu hút gần 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 666.000 lao động.

Được biết, việc phát triển cụm công nghiệp đã giúp các địa phương giải quyết đáng kể mối lo về môi trường. Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2024.

Nghị định số 32 có nhiều điểm mới rất quan trọng, như đã phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Nghị định cũng ban hành quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về cụm công nghiệp… bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp.

Theo Quy hoạch phát triển CCN giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh phát triển 36 CCN với diện tích 2.105,39ha. Tỉnh Quảng Ninh sẽ quyết tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 32 nhằm góp phần vào tăng trưởng của ngành công nghiệp theo chỉ tiêu đề ra và phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường.

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập, mở rộng diện tích 16 CCN với tổng diện tích là 853,18ha. Trong đó, có 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 304,61ha.

1.jpg
Triển khai xây dựng CCN Đông Mai, phấn đấu hoàn thành và bàn giao trong tháng 9/2025 (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Có 11 CCN đang đầu tư, triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 548,57ha.

Theo ông Lưu Công Thành - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh: Để phát triển các CCN theo đúng định hướng đề ra, tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến công tác thu hút đầu tư với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng quy hoạch, đến hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án. Các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, cùng thủ tục hành chính được tinh gọn, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh: Từ đầu năm 2025 đến nay, Quảng Ninh đón nhận nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khảo sát và đăng ký đầu tư vào các CCN mới, tiêu biểu: CCN Yên Thọ, CCN Quảng Thành, CCN Vân Đồn, CCN Đông Mai… cho thấy "sức hút" ngày càng lớn từ hệ thống CCN đồng bộ, hiện đại mà tỉnh đang xây dựng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành nguồn lực đáng kể cho đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các CCN với hệ thống cảng biển, sân bay, đường cao tốc và các KCN quy mô lớn. Đây là yếu tố "then chốt" giúp thuận lợi hóa hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, và công nghệ cao.

Để đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn tại các CCN. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tỉnh tiếp tục định hướng xây dựng hệ thống CCN theo mô hình liên kết vùng - ngành - chuỗi, kết nối với các KCN lớn, như: Đông Mai, Hải Yên, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong… tạo thành mạng lưới sản xuất khép kín, có khả năng hỗ trợ lẫn nhau.

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, tay nghề cao, thông qua hợp tác giữa doanh nghiệp - trường nghề - trung tâm đổi mới sáng tạo, đảm bảo cung ứng lao động chất lượng phục vụ cho các CCN trong giai đoạn chuyển đổi số và phát triển công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tập trung phát triển hệ thống cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO