Tây Nguyên tìm biện pháp quản lý rừng bền vững

MAI CHIẾN 28/02/2023 00:06

Tỉnh Gia Lai vừa phát hiện một vụ phá rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông H’de quản lý, tuy nhiên 125 cây thân gỗ có giá trị vẫn bị khai thác, vậy đâu là biện pháp quản lý rừng bền vững.

>>Giải bài toán cung cầu bất động sản

Sau nhiều ngày xảy ra vụ phá rừng với hơn 30m3, chiều ngày 23/02/2023, UBND huyện Kong Chro vẫn đang họp với các đơn vị chức năng và chủ rừng tìm biện pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Vụ việc xảy ra tại khoảnh 7, khoảnh 10 tiểu khu 792 lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông H’de, thuộc địa giới hành chính xã Sơ Ró.

Trước đó, ngày 15/02, qua tuần tra kiểm soát quản lý bảo vệ rừng thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty đã phát hiện 125 cây rừng bị cưa hạ. Chủng loại gỗ bị vi phạm là căm xe, bằng lăng, xương cá. Tại hiện trường, phần lớn thân cây đã lấy đi, chỉ còn lại bìa gỗ, cành nhánh cây và mùn cưa và khoảng 4m3 gỗ. Rừng bị xâm phạm là rừng sản xuất thường xanh trung bình.

Một gốc cây bằng lăng bị khai thác trái phép ở xã Sơ Ró những ngày đầu năm (ảnh: Kiểm lâm cung cấp).

Một gốc cây bằng lăng bị khai thác trái phép ở xã Sơ Ró những ngày đầu năm (Ảnh: Kiểm lâm cung cấp).

Mở rộng kiểm tra, ngày 25/02, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 25 cây bị cưa hạ với khối lượng ước tính 7m3. Như vậy chỉ trong ít ngày, 37m3 gỗ đã bị khai thác trái phép.

Đến nay, vụ việc đã được báo cáo các cấp chính quyền, kiểm lâm, công an để cùng đơn vị quản lý bảo vệ rừng điều tra xử lý đối tượng vi phạm.

Theo nhìn nhận của một chuyên viên có thâm niên lâu năm trong quản lý bảo vệ rừng, vụ việc này do những người đồng bào lấy gỗ về để làm nhà làm cửa. Đây là nhu cầu thiết yếu, trong văn hoá đời sống của họ thì lại thích nhà gỗ hơn nhà xây.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp thích cho vấn đề phá rừng. Ông Lê Văn Thuỷ - Giám Đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kong H’de cho hay: “Đối với vụ việc này, đơn vị cũng đang tiến hành làm rõ trách nhiệm để xử lý cán bộ, nhân viên để xảy ra cưa hạ cây rừng trái phép.”

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Nam – Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Vụ việc này đủ yếu tố để khởi tố theo quy định của pháp luật. Riêng đối với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông H’de thì tiến hành kiểm đếm, kiểm điểm trách nhiệm giám đốc và những cá nhân có trách nhiệm liên quan”.

Hiện trường vụ phá rừng được phát hiện. (Ảnh Kiểm lâm cung cấp)

Hiện trường vụ phá rừng được phát hiện. (Ảnh Kiểm lâm cung cấp)

Mỗi năm, các địa phương, cơ quan chức năng trong tỉnh Gia Lai đều tổ chức tuyên truyền với người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, lỗi của mỗi vụ phá rừng đều là người dân.

Theo thống kê, trong 5 năm (2017 - 2022), lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 2.940 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Riêng năm 2022, các địa phương đã phát hiện 290 vụ, trong đó xử lý hình sự 29 vụ.

Khu vực Tây Nguyên, năm 2022, vẫn ghi nhận tình trạng phá rừng trái pháp luật còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Tính đến tháng 10/2022, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện 1.191 vụ vi phạm về hành vi phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị thiệt hại là 433,575 ha.

Trong đó, riêng tỉnh Đăk Lăk xảy ra 719 vụ thiệt hại 278,179 ha. Chiếm trên 50% diện tích rừng bị thiệt hại của toàn quốc. Toàn vùng xảy ra 01 vụ chống người thi hành công vụ tại tỉnh Gia Lai. Điều này cho thấy Công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn.

Kinh phí hạn hẹp cũng là lý do được đổ lỗi mỗi khi có “nạn” xảy ra. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kong H’de đến nay kinh phí hoạt động năm 2022 vẫn bị nợ vài trăm triệu.

Một thực trạng chung cũng đang diễn ra ở các Công ty lâm nghiệp ở khu vực Tây Nguyên khiến họ gặp khó khăn về tài chính. Công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bị nợ lương, khiến cho một số đơn vị không thể tuyển được người lao động để đảm bảo hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Điển hình như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn có trụ sở tại Thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk đã rơi vào cảnh “tê liệt toàn phần”. Nguyên nhân là bởi 6 người còn lại bám trụ với công ty giờ cũng đã viết đơn xin nghỉ việc, vì một năm qua họ chưa nhận đồng lương nào. 

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có văn bản số 3952/UBND-TH ngày 21/11/2022 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ quản lý diện tích rừng tự nhiên tạm dừng khai thác của các Công ty Lâm nghiệp thuộc tỉnh.

Cuối năm 2022, Chính phủ bổ sung kinh phí cho các đơn vị lâm nghiệp cả nước. Riêng khu vực Tây Nguyên được bổ sung hơn 124 tỷ đồng cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Kinh phí được giải quyết, nhưng các đơn vị lâm nghiệp cũng như chủ rừng khác vẫn phải đối mặt với khai thác rừng trái phép của “người dân”.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 4, ông Hà Công Tài cho hay: “Ngành kiểm lâm cùng với các địa phương đã triển khai các hướng dẫn, quy chế của ngành. Phối hợp tổ chức tuyên truyền đến người dân, nhất là các vùng được đánh giá là trọng điểm về phá hoại rừng. Tuy nhiên vẫn cần biện pháp, giải pháp để giảm áp lực cho rừng từ các vụ khai thác rừng trái phép.”

Đi tìm giải pháp quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên đang là một nỗi lo không của riêng ai, vì rừng vẫn bị tổn thương sau mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh sẽ có hồ chưa nước ngọt đầu tiên cải tạo từ moong than

    Quảng Ninh sẽ có hồ chưa nước ngọt đầu tiên cải tạo từ moong than

    19:32, 27/02/2023

  • Liên tiếp nhận tin vui, Quy Nhơn - Bình Định sẵn sàng tăng tốc trong năm 2023

    Liên tiếp nhận tin vui, Quy Nhơn - Bình Định sẵn sàng tăng tốc trong năm 2023

    18:46, 27/02/2023

  • Vì sao thế giới chia rẽ sâu sắc quanh xung đột Nga – Ukraine?

    Vì sao thế giới chia rẽ sâu sắc quanh xung đột Nga – Ukraine?

    18:46, 27/02/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc việc công khai, minh bạch về định giá đất

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc việc công khai, minh bạch về định giá đất

    18:44, 27/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tây Nguyên tìm biện pháp quản lý rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO