Tây Nguyên là vùng có tiềm năng lớn để áp dụng mô hình du lịch cộng đồng một cách rộng rãi.
>>
Du lịch cộng đồng được coi là thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên, khi sẵn có về nông nghiệp, tự nhiên, văn hóa, nhưng cũng đặt ra một bài toán phải giải đó là các sản phẩm du lịch cộng đồng không được giống nhau, khiến du khách dễ nhàm chán.
Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với 2.199.784 người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng. Xét về khía cạnh du lịch, Tây Nguyên là vùng có tiềm năng lớn để áp dụng mô hình du lịch cộng đồng một cách rộng rãi.
Sản phẩm “na ná nhau”
Với người dân tộc K’Ho, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng cộng đồng này là một điểm để tham quan trải nghiệm của du khách. Đến đây du khách có thể giao lưu văn hóa với không gian đậm chất dân tộc từ những nét đẹp trong lao động sản xuất của đồng bào K’Ho. Đồng thời khách đi khắp buôn, để trải nghiệp nét văn hóa bản địa, cuộc sống của người dân, về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc K’Ho.
Tương tự, tỉnh Kon Tum cũng đang xây dựng các mô hình làng du lịch cộng đồng, trong đó nổi bật nhất là Kon Pring, Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông), Kon Kơ Tu, Kon Jơ Dri (thành phố Kon Tum), làng Kon Brăp Du (huyện Kon Rẫy). Tuy nhiên ở đây cũng xây dựng các sản phẩm du lịch xoay quanh biểu diễn cồng chiêng, trải nghiệm dệt - thổ cẩm, trải nghiệm nông nghiệp và ẩm thực.
Đại diện đơn vị Gia Lai Discovery cho biết “du lịch cộng đồng vẫn chưa có sự đặc sắc, chủ yếu dựa vào cảnh quan. Nhiều đoàn khách chúng tôi đưa đến chỉ đến ngắm và rời đi. Chúng tôi cũng cố gắng giới thiệu bản sắc văn hóa, của từng vùng miền, của từng dân tộc, nhưng không thể đi du lịch chỉ qua giới thiệu của hướng dẫn viên, mà cần có sự thực tế trải nghiệm”.
Điều này cho thấy, các sản phẩm du lịch cộng đồng đang bị trùng nhau, có nguy cơ gây nhàm chán cho du khách, đòi hỏi những tỉnh đi sau Lâm Đồng cần cải thiện các sản phẩm gắn liển với du lịch cộng đồng để cho thấy sự khác biệt và hấp dẫn đối với du khách.
Cần tạo sự đột phá
Trong nhiều lĩnh vực du lịch cộng đồng, doanh nghiệp được ví như đòn bẩy đưa ngành phát triển. Tuy nhiên có một thực trạng hiện nay đó là số đông các hộ đồng bào làm tự phát, mò mẫm, thiếu sự kết nối với các công ty lữ hành, doanh nghiệp trong và ngoài nước
Không chỉ nghèo nàn trong phát triển du lịch, các tỉnh Tây Nguyên còn chưa có được những nghiên cứu về du lịch cộng đồng làm bản lề định hướng cho đầu tư. Ví dụ lớn nhất là làng du lịch cộng đồng Ốp phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, được quy hoạch hơn chục năm nhưng mãi loay hoay.
Để giải quyết bài toán này, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu “các cơ quan chức năng ở địa phương tập trung nghiên cứu, phát triển ngành du lịch với phương châm sản phẩm khác biệt, điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt”.
Ngoài ra, nghiên cứu phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch như du lịch lễ hội, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch ban đêm, city tour.... Đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm đường sông trên các tuyến thủy nội địa, như: Sông Ba, sông Sê San, hồ Ya Ly, hồ Ayun Hạ. Kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp có khả năng thu hút được nguồn khách lớn, trên nguyên tắc phát triển bền vững. Trong đó tập trung đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển dịch vụ.
Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh Kon Tum đến 2030 được bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nghiên cứu các giải pháp để thực hiện định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với nông - lâm nghiệp.
Có thể bạn quan tâm