Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, Tây Ninh sẽ tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” cản trở quá trình phát triển, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, Tây Ninh sẽ tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” cản trở quá trình phát triển, khơi thông mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
- Theo ông, “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế Tây Ninh thời gian qua là gì?
Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh chậm lại, song mức tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 vẫn đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt 7,2%. Quy mô nền kinh tế tăng lên gấp 1,68 lần so với giai đoạn trước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,9% trong GRDP. Tốc độ thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 9,9%/năm, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2010 – 2015...
Đây cũng là giai đoạn mà nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai thực hiện trên địa bàn tình như: Nhà máy Tanifood, Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh, Hệ thống cáp treo núi Bà Đen, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3… Đến 2020, toàn tỉnh có 552 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 77.943,06 tỷ đồng và 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD.
Mặc dù vậy, thời gian qua, kinh tế tuy tăng trưởng nhanh, một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có nâng lên song còn khiêm tốn. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển chưa đạt như kỳ vọng. Việc triển khai các dự án tại các cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu còn gặp nhiều khó khăn, chưa đủ tạo động lực mới để phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế; quy hoạch còn bất cập, tính gắn kết liên thông với quy hoạch vùng hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Môi trường đầu tư của tỉnh Tây Ninh thời gian qua ngày càng được cải thiện, đặc biệt là công tác cải cách hành chính, đã trở thành điểm sáng của Tây Ninh trong thời gian qua. Vậy ông có thể cho biết, điểm đột phá trong công tác này trên địa bàn tỉnh?
Thời gian qua, Tây Ninh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thể hiện quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Tác động của cải cách thủ tục hành chính làm cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thuận lợi hơn, được các nhà đầu tư đánh giá qua xếp hạng Chỉ số PCI nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (năm 2018 xếp thứ 14/63, năm 2019 xếp thứ 15/63). Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung của tỉnh như: Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống văn bản quản lý, điều hành eGov, hệ thống báo cáo kinh tế xã hội...
Hiện nay, tỉnh triển khai thí điểm trục liên thông dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và kết nối với trục liên thông quốc gia (NGSP), kết nối liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của quốc gia. Theo đó sẽ tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu các hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, tài nguyên môi trường, tài chính, thuế, hải quan, bảo hiểm, an sinh xã hội… theo lộ trình xây dựng, hoàn thành các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành, lĩnh vực.
Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh. Trong đó, trọng tâm là tạo bước đột phá về xây dựng chính quyền điện tử theo hướng hiện đại và hiệu quả. Hoàn thành mô hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tập trung, hiện đại tại Bộ phận một cửa 3 cấp, nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh theo phương châm phủ hợp, xây dựng hoàn thiện Trung tâm phục vụ hành chính công và Trung tâm giám sát điều hành KTXH tập trung của tỉnh. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân; Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu luôn nằm trong nhóm tốt.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 19/NQ - CP và Nghị quyết số 35 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, giải đáp nhanh chóng, kỹ càng thắc mắc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
- Thưa ông, cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Với Tây Ninh vấn đề này được tỉnh giải quyết như thế nào?
Để thu hút các nhà đầu tư đến với Tây Ninh, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, đầu tư hệ thống đường bộ, đường thuỷ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế với các tỉnh, thành phố; tiếp tục phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả logistics nhằm giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của địa phương.
Riêng trong lĩnh vực giao thông, Tây Ninh sẽ huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, trọng điểm là đẩy nhanh việc khởi công tuyến đường cao tốc TP. HCM- Mộc Bài, đông thời với phát triển hành lang kinh tế đô thị, công nghiệp. Hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng đường Đất Sét – Bến Củi, đường 782 -784, dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 – 787B – 789; đầu tư nâng cấp đồng bộ hóa hạ tầng, ngầm hóa hệ thống điện, viễn thông một số tuyến đường trung tâm TP Tây Ninh. Đồng thời, khai thác lợi thế của vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cảng cạn ICD Mộc Bài, trung tâm Logistics và cảng tổng hợp Hưng Thuận.
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, Tây Ninh sẽ tập trung vào những giải pháp gì thưa ông?
Để thực hiện mục tiêu này, Tây Ninh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các chương trình đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; đột phá về nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Tây Ninh quyết tâm hiện thực hóa các chủ trương định hướng phát triển quan trọng đã đề ra, các dự án trọng điểm mang tính lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương như dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Điện năng lượng mặt trời; phát triển đô thị, công nghiệp…
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu hình thành không gian phát triển mới, phá thế “độc đạo” của địa phương; tạo hành lang phát triển, nhất là hình thành trục động lực cụm ngành về hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, đô thị với các tỉnh, thành phố lân cận để tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong dài hạn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Giai đoạn 2021 -2025, Tây Ninh phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân từ 7,5% trở lên; Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người từ 4.500 USD trở lên. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: công nghiệp – xây dựng 51-52%; dịch vụ 32 -33%; nông – lâm – thủy sản 14 -15%; Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn từ 36% trở lên so với GRDP; Kim ngạch XNK tăng bình quân trên 8%; Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa từ 50% trở lên…
Có thể bạn quan tâm