6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tây Ninh ước tăng 9,63%, đứng đầu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đứng thứ 7/34 tỉnh, thành phố cả nước.
Sáng ngày 17/7/2025, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức cuộc họp thường kỳ tháng 6 để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025.
Đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên sau hợp nhất tỉnh và chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến 96 điểm cầu xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2025, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân 02 tỉnh Long An (cũ) và Tây Ninh (cũ), tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; nhiều chỉ tiêu đạt tiến độ hoàn thành, vượt kế hoạch cả năm.
6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tây Ninh ước tăng 9,63% (trong đó, tỉnh Long An (cũ) tăng 9,49%; tỉnh Tây Ninh (cũ) tăng 9,84%). Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, vượt kịch bản Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25 và kịch bản tăng trưởng 2 con số của tỉnh. Với tốc độ tăng trưởng này, Tây Ninh đứng đầu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và thứ 7/34 tỉnh, thành phố cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,39% so cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi rõ nét của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, thực phẩm, dệt may.
Tỉnh cũng thu hút đầu tư với 119 dự án đăng ký mới, tổng vốn hơn 627,8 triệu USD, trong đó, có nhiều dự án công nghệ cao, năng lượng tái tạo và logistics đang được xúc tiến triển khai.
Công tác thu ngân sách nhà nước được chỉ đạo quyết liệt đạt 29.588 tỷ đồng, đạt 78,53% dự toán HĐND tỉnh giao. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 7.464 tỷ đồng, đạt khoảng 46,66% kế hoạch, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Du lịch, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số đạt kết quả nổi bật. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời...
Tại Hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các kết quả kinh tế - xã hội trong tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2025, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong tháng 7 và cả năm 2025; trong đó, tập trung vào tình hình giải ngân vốn đầu tư công, quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Trên cơ sở kế thừa kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 và nhận định các thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức, UBND tỉnh Tây Ninh cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 6 tháng cuối năm 2025. Trong đó, tiếp tục tổ chức bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sau sáp nhập tỉnh đảm bảo ổn định, thông suốt và đồng bộ.
Đồng thời, phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế địa kinh tế của tỉnh mới để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Tỉnh cũng đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, Tây Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế gắn với phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân...
Tỉnh Tây Ninh cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, như: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 đạt 9-9,5%, phấn đấu trên 10%; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 115 -120 triệu đồng; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn so với tổng sản phẩm năm 2025 đạt 34-35…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, mặc dù phải thực hiện khối lượng công việc lớn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực lớn, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, đặc biệt là mức tăng trưởng kinh tế đạt 9,63%, dẫn đầu khu vực phía Nam, tạo tiền đề giúp kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, cả năm và cả giai đoạn 2026-2030 đạt hai con số.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh cũng đề nghị UBND tỉnh và các địa phương có giải pháp cụ thể khắc phục khó khăn, vướng mắc. Tập trung rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị quyết áp dụng trung trên toàn tỉnh, đặc biệt là các Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, trước mắt là chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động xa nhà có điều kiện yên tâm công tác. Quan tâm, nghiên cứu các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy, hoạt động các xã, phường đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan, người dân và doanh nghiệp...
Kết luận phiên họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, mặc dù 6 tháng đầu năm 2025 còn nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh vẫn cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Để đạt mục tiêu cả năm, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các sở, ngành và các địa phương chủ động phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tập trung tiếp tục hoàn thiện, vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhất là trong quản lý đầu tư, ngân sách, đất đai, môi trường, thủ tục hành chính.
Đồng thời, đẩy mạnh thu ngân sách, phát huy các động lực tăng trưởng theo Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 68; hoàn thiện quy hoạch tỉnh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư qua cải thiện các chỉ số PCI, PAPI; tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tỷ lệ giải ngân đầu tư công quí III đạt tối thiểu 75%.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, chủ động điều hành, không để trì trệ trong xử lý công việc do chờ đợi chỉ đạo hoặc thiếu phối hợp, mạnh dạn đề xuất, báo cáo khi phát sinh tình huống vượt thẩm quyền. Các sở, ban ngành tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các xã, phường để phối hợp xử lý; tập trung hỗ trợ cơ sở vật chất, đồng bộ cơ sở dữ liệu, đường truyền, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các địa phương…đảm bảo hoạt động xuyên suốt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hơn 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn điều lệ gần 14.000 tỉ đồng. Hiện, toàn tỉnh Tây Ninh có hơn 37.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 911.935 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 23.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn hơn 761.000 tỉ đồng.