Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn là bước đi chiến lược của Tây Ninh nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn đang được xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hoá lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hệ sinh thái và sức khoẻ của con người.
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, tận dụng phế phẩm nông nghiệp như một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân.
Bà Nguyễn Kiêm Phượng- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết, kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi mà còn giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có trên 10 triệu con gia cầm, các trang trại chăn nuôi gà đều áp dụng chuồng kín có máng nước uống tự chảy và cấp thức ăn tự động, có hệ thống quạt thông gió và sử dụng chế phẩm sinh học để làm giảm ô nhiễm môi trường.
Ngành chăn nuôi đã chủ động tiếp cận và nhận chuyển giao ứng dụng công nghệ cao đối với chăn nuôi gà công nghiệp. Bước đầu tạo bước đột phá và mở ra hướng phát triển chăn nuôi có năng suất cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tại huyện Tân Châu, với tổng đàn gia cầm khoảng trên 2 triệu con, cùng với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được ngành nông nghiệp và môi trường, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh thường xuyên thực hiện công tác đánh giá định kỳ đúng theo quy định và thẩm định cấp mới, cấp lại cho các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh khi có yêu cầu của người chăn nuôi.
Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và giảm phát thải trong ngành chăn nuôi là một hướng đi bền vững giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong ngành chăn nuôi.
Để hiện thực hoá đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đã triển khai kế hoạch cụ thể với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và giảm phát thải. Đặc biệt, đối với chăn nuôi, tỉnh đặt mục tiêu 100% các trang trại và 60% hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ xử lý chất thải và tái sử dụng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, toàn tỉnh đang triển khai xây dựng 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi công nghệ cao, không ít doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và giảm phát thải, trong đó điểm nhấn là sử dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, đệm lót sinh học, cải tiến quy trình cho ăn và thức ăn, xử lý tái sử dụng nước thải, chất thải trong chăn nuôi.
Trên địa bàn tỉnh có 496 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 21 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Huyện Tân Châu và Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle ở gà.
Ngoài ra, ngành đã xây dựng 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.
Những năm gần đây, tỉnh được nhiều nhà đầu tư hàng đầu như Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Tập đoàn Hùng Nhơn, Masan, Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources (Malaysia), Bel Gà Tây Ninh, Công ty TNHH De Heus, Vinamilk, Công ty Chăn nuôi BaF… lựa chọn để xây dựng dự án chăn nuôi công nghệ cao, từ đó hình thành các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Điểm chung các trang trại đều ứng dụng các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất kết hợp chế phẩm sinh học.
Đây là một trong những tiêu chí để xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi mà còn bảo đảm nguồn cung sản phẩm chăn nuôi cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên khoa học và công nghệ là bước đi chiến lược của Tây Ninh nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường và bảo vệ môi trường.
Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhất quán quan điểm “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”. Trong thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.