Tầm nhìn chiến lược chuyển đổi số

QUÂN BẢO 07/08/2021 05:08

Bộ TT&TT vừa được Chính phủ giao chủ trì xây dựng và hoàn thành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số trong tháng 8/2021 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.

Một báo cáo của Google và công ty đầu tư Singapore Temasek đã mô tả nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam - vốn đang tăng trưởng hơn 40% mỗi năm – giống như “một con rồng đang được giải thoát”.

Một nền tảng số

Kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam thời gian qua phát triển có phần tự phát nhưng tăng trưởng khá nhanh. Sự tăng trưởng nhanh này là do hạ tầng viễn thông - CNTT thời gian qua được đầu tư khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao.

Theo Bộ TT-TT, Việt Nam là một trong những nước có thị trường viễn thông, CNTT phát triển nhanh trên thế giới. Đến thời điểm hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam có 7 doanh nghiệp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, trong đó có 5 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ 4G; có 63 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ Internet. Độ phủ sóng viễn thông rộng khắp, từ vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đang ráo riết thử nghiệm dịch vụ 5G - một dịch vụ tiên tiến nhất của thế giới.

Tính đến tháng 5-2021, tổng số thuê bao điện thoại di động phát sinh lưu lượng là 123,32 triệu thuê bao. Với dân số chưa đến 100 triệu người, trung bình mỗi người dân Việt Nam có hơn 1 thuê bao di động. Trong đó, tổng số thuê bao băng rộng di động phát sinh lưu lượng là 68,2 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định là 17,95 triệu thuê bao.

Viettel đã rất nhanh chân thử nghiệm công nghệ 5G ở Việt Nam

Viettel đã rất nhanh chóng thử nghiệm công nghệ 5G ở Việt Nam

Thêm vào đó, giới trẻ Việt Nam tương đối ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực. Đồng thời dân số trẻ, được đào tạo về công nghệ tốt, dễ thích ứng với sự thay đổi.

Các công nghệ mới và hàng đầu thế giới nhanh chóng du nhập và được người Việt tiếp nhận, ứng dụng. Điển hình là các công nghệ như tiên tiến nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, v.v.. Trong đó BKAV là đơn vị đã xuất khẩu được thiết bị mang công nghệ AI sang Mỹ. Hoặc như Sky Mavis sử dụng công nghệ blockchain để làm game, trở thành game blockchain có doanh thu cao nhất thế giới vừa qua, giá trị vốn hóa nhiều tỉ USD.

BKAV đã xuất khẩu được camera AI sang Mỹ

Các doanh nghiệp công nghệ trong cả nước cũng phát triển nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của Bộ TT-TT, cả nước hiện có khoảng 58.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Riêng năm 2020 đã có tới 13.000 doanh nghiệp công nghệ số mới ra đời.

Việt Nam còn nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, của châu Á, khu vực được đánh giá sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. COVID-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, COVID-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam nhanh hơn từ 3-5 năm. Các giải pháp công nghệ liên tiếp được đưa vào để hỗ trợ phòng chống dịch, truy vết dịch tễ. Dịch vụ công trực tuyến, cải cách hành chính của chính phủ liên tiếp được hoàn thiện để giúp người dân có thể làm việc với chính phủ từ xa, đảm bảo giãn cách.

Đây là lợi thế Việt Nam khi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tầm nhìn sâu rộng

Chúng ta đang có những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế số. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số và có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên.

Chính phủ đã rất quan tâm để Việt Nam bắt kịp chuyến tàu 4.0. Hàng loạt các chính sách, chiến lược biện pháp được Chính phủ thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý, bệ phóng cho con tàu phát triển.

Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

“Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình” - Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Gần đây nhất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sâu sát, quyết liệt bằng nhiều yêu cầu cụ thể, trong đó có việc xây dựng và hoàn thành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số trong tháng 8 này. Các bộ ngành cũng nhanh chóng bắt tay vào cuộc.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong 2 quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến trong bối cảnh COVID-19. Bộ này cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu

Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục.

Tiến trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, tài chính cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Theo một đại diện của ngân hàng Nhà nước, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng gấp 3 lần; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 10 lần. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng được đẩy mạnh.

Bức tranh công nghệ tài chính (Fintech) đa dạng

Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành cung cấp 977 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 60%), hoàn thành tích hợp 296/583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, vượt 21% mục tiêu do Chính phủ giao.

Các bộ ban ngành khác cũng gấp rút hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, kinh tế số và xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn như: hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số; kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số “Made in Vietnam” còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài… và đặc biệt là chúng ta chưa có chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.

Chính vì vậy, ngoài việc tận dụng lợi thế sẵn có, khắc phục những mặt hạn chế cần có chiến lược để định hướng và dẫn dắt của Chính phủ chúng ta mới có thể nhanh chóng xây dựng được một xã hội số và một nền kinh tế số cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tầm nhìn chiến lược chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO