Tết không sốt giá, khan hàng: Mừng hay lo?

SÔNG HÀN 27/01/2023 05:15

Điều lạ lùng của Tết Quý Mão 2023 là đã không hề xảy ra hiện tượng hết hàng, sốt giá.

>>Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức thị trường dệt may 2023

Nhóm ngành hàng rau củ, quả, trái cây có nguồn cung dồi dào tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhóm ngành hàng rau củ, quả, trái cây có nguồn cung dồi dào tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo thống kê nhanh của Bộ Công Thương, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các địa phương đã chủ động trong công tác quản lý giá thị trường, ban hành kế hoạch, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán. So với năm 2022, lượng hàng hóa dự trữ tăng 10-30%, lượng cung hàng hóa theo từng nhóm hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn. Một số siêu thị mở cửa xuyên Tết nên đảm bảo nguồn hàng cung ứng ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá. Tại các hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Co.opFood, Co.opXtra, siêu thị GO!, Big C, Tops Market, LOTTE Mart… người dân đã mua sắm ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới

Còn một số chợ dân sinh, ngay từ mùng 2 Tết, nhiều quầy hàng bán rau xanh và thực phẩm như thịt cá, trứng, hoa quả… đã được tiểu thương mở bán trở lại, đến ngày 4 Tết, hầu hết các chợ dân sinh đều hoạt động bình thường. Giá một số loại rau củ tăng nhẹ tại một số điểm chợ, nhưng nguồn cung rau, củ, quả dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Mức giá tăng ở mức có thể chấp nhận được. Ở cả tỉ lệ % tăng thêm, cả ở sự chấp nhận của các bà nội trợ.

Bộ Tài chính nhận xét: “Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú đa dạng, giá cả thị trường tương đối ổn định so với ngày thường, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, ổn định”.

Tuy nhiên, việc không sốt giá, khan hàng lại khiến cho chúng ta thấy cảm thấy “lạ”. Thậm chí, dư luận và có một số chuyên gia còn cho rằng “có gì đó không bình thường lắm” và cảm thấy lo lắng. Bởi vì đây là sự phản ánh sức mua của thị trường và tiền túi của dân đã yếu và ít đi nhiều sau một năm không ít khó khăn.

Cũng bởi vì, dường như người dân dường như ai cũng sẵn sàng tâm lý đón nhận việc tăng giá vào thời điểm Tết là xuất phát từ nhu cầu mua bán hàng hóa tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu ăn Tết của người dân. Nhu cầu tăng mạnh do người Việt Nam coi trọng cái Tết cổ truyền; do thời điểm thanh toán, quyết toán cả năm, người ăn lương được nhận tiền thưởng. Nên dự báo sức mua của người dân luôn tăng cao.

Thực tế cho thấy điều “không bình thường” đó lại thành bình thường trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua chuỗi thời gian đầy gian khó, người dân sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, đại dịch COVID - 19 kéo dài, gần một phần tư thời gian phải giãn cách xã hội, gần hai phần ba thời gian trong năm, các hoạt động kinh doanh và dịch vụ phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Đại dịch COVID-19 được xem như một thảm hoạ, một phép thử chưa có tiền lệ.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những mất mát, nỗi đau quá lớn, không thể bù đắp nổi. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống người dân và ảnh hưởng đến cả sự phát triển kinh tế – xã hội. Theo một con số thống kê, từ khi xảy ra cho tới thời điểm khống chế được dịch, cả nước có hơn 10 triệu ca mắc, hơn 43.000 người tử vong do COVID-19.

Đại dịch cũng đã khiến hàng vạn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hàng vạn doanh nghiệp cũng vì đại dịch mà rơi vào cảnh lao đao, khốn khó, không ít trong số đó buộc phải giải thể, phá sản. Cả triệu người lao động thất nghiệp, mất việc làm, nhất là người lao động yếu thế…

Mặc dù trong cuộc chiến đầy thử thách này đã làm thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của nhân dân, đời sống của một bộ phận nhân dân có mức thu nhập thấp càng trở nên khó khăn hơn, nhưng mọi người vẫn vui vẻ chấp nhận, bởi còn sức khoẻ và tính mạng thì sẽ còn tất cả.

>>Điều hành xăng dầu, hài hoà ba lợi ích

>>Điều hiếm có trên thị trường Tết năm nay

Chế biến thịt lợn phục vụ thị trường Tết tại Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh ở huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chế biến thịt lợn phục vụ thị trường Tết tại Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh ở huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tuy vậy, đại dịch đi qua cũng đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị sâu sắc. Chẳng hạn, đó là vấn đề xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở để ứng phó với các điều kiện đặc biệt. Hay vấn đề tổ chức mạng lưới y tế dự phòng và y tế cơ sở để ứng phó với các thảm họa như dịch bệnh hay thiên tai. Hay việc tổ chức các lực lượng khẩn cấp để đối phó với các khủng hoảng, kể cả việc quản lý rủi ro và thích nghi với các rủi ro kéo dài…v..v.

Đáng mừng là, trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế, Việt Nam đã có cú ngược dòng với thế giới. Kinh tế Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng rất mạnh mẽ, vượt kỳ vọng và tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước đạt 8,02%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Những mong rằng, gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của năm 2022 sẽ tạo điền đề tốt cho sự phát triển của đất nước. Đời sống dân sinh sẽ được cải thiện hơn, ổn định hơn. Từ đó xua tan đi nỗi lo lắng về sức dân đang yếu dần (cụ thể ở đây là tiền túi của dân) và sẽ mạnh hơn, đi lên song hành cùng với bộ chỉ số, tăng trưởng của nền kinh tế.

Năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2025 với dự báo nhiều khó khăn thách thức hơn thuận lợi. Trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và những thành quả vượt trội của tăng trưởng năm 2022 cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế sẽ có động lực tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã thông qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức thị trường dệt may 2023

    03:40, 26/01/2023

  • Lạc quan thị trường bất động sản năm Quý Mão

    11:00, 25/01/2023

  • Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp

    04:00, 23/01/2023

  • Thị trường và liêm chính

    02:00, 23/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tết không sốt giá, khan hàng: Mừng hay lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO