Việc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã CK: TCB) chào sàn vào thời điểm TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn trồi sụt thất thường sẽ là thách thức đối với ngân hàng này.
Thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trải qua 25 năm hoạt động, Techcombank hiện có vốn điều lệ 11.655 tỷ đồng, với tổng tài sản 269.392 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với 10 năm trước đó.
Bán thành công cổ phiếu quỹ giá cao
Hiện nay, Techcombank cung cấp 3 loại dịch vụ chính gồm dịch vụ ngân hàng bán buôn, dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp và dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân.
Giống như của các tổ chức tín dụng khác, thu nhập lãi thuần (kinh doanh từ dịch vụ ngân hàng) đóng góp chính vào tổng thu nhập của Techcombank, chiếm tỷ trọng trên 75%; hoạt động dịch vụ đóng góp khoảng 16%; phần còn lại khoảng 9% đến từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán bao gồm kinh doanh trái phiếu và các hoạt động khác.
Trong quý I/2018, thu nhập lãi thuần ngân hàng tăng 16,58% so với cùng kỳ đạt 2.564 tỷ đồng. Lãi từ đầu tư chứng khoán tăng mạnh lên 441 tỷ đồng. Đặc biệt, thu từ góp vốn, mua cổ phần bất ngờ tăng lên 894 tỷ đồng.
Đến nay, Techcombank đã bán xong hơn 64,4 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương với 5,85% vốn điều lệ theo phương thức giao dịch qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Giá giao dịch bình quân là 128.000 đồng/Cp. Theo đó, Techcombank đã thu về hơn 8.243 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ đợt 2 này.
11.655 tỷ đồng là vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam tính đến thời điểm đầu năm 2018.
Trước đó, cuối tháng 3, Techcombank đã hoàn tất việc bán 93,2 triệu cổ phiếu quỹ đợt 1 với giá bình quân là 91.000 đồng/Cp cho nước ngoài và phân phối 14,7 triệu cổ phiếu quỹ cho 150 cán bộ nhân viên ngân hàng. Được biết trong đợt 1 bán cổ phiếu quỹ, Techcombank đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với hai nhà đầu tư nước ngoài gồm Vesta VN Investments B.V. và COG Investments B.V.
Ngoài ra, mới đây hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông của Techcombank đã được bán cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Với giá bán chốt ở mức 128.000 đồng/Cp (tương đương 5,62 USD), đợt chào bán này đã giúp ngân hàng huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng (xấp xỉ 922 triệu USD).
Định giá cao hơn mặt bằng cổ phiếu ngành
Vốn điều lệ của Techcombank hiện xấp xỉ 11.655 tỷ đồng sau hai lần tăng vốn trong năm 2017. Tuy nhiên so với tổng tài sản của các “ông lớn” cùng ngành trên sàn, thì Techcombank còn kém xa nhưng giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn top đầu như VCB, CTG, ACB, MBB chưa bằng một nửa thị giá của TCB.
Theo báo cáo của một nhóm đơn vị tư vấn, cổ phiếu TCB được định giá dựa trên các phương pháp định giá chiết khấu gồm chiết khấu lợi nhuận thặng dư và chiết khấu dòng cổ tức.
Báo cáo nói trên cho biết, điểm nhấn trong mô hình kinh doanh của Techcombank là sự tăng trưởng của nguồn thu phi tín dụng gồm mảng ngân hàng giao dịch và bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bacassurance). Ngoài ra, Techcombank còn có đối tác hệ sinh thái chiến lược là Vingroup giúp ngân hàng tiếp cân được nhóm khách hàng cấp cao.
Năm 2018, Techcombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18%, tăng trưởng huy động 40%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, cho thấy sự thận trọng của Ban lãnh đạo Techcombank trong bối cảnh các ngân hàng khác đưa ra mức tăng trưởng lợi nhuận khá cao.
Dẫn đầu về hiệu quả khai thác tài sản Đến nay, có khá nhiều ngân hàng vẫn “im hơi lặng tiếng” trong việc xác định thời điểm lên sàn như ABBank, Nam A Bank, Maritime Bank, SeABank,… Theo các chuyên gia, về bản chất, các NHTM cũng muốn lên sàn chứng khoán niêm yết vì điều này không chỉ giúp minh bạch thông tin hoạt động mà còn tạo ra sự cạnh tranh. Tuy nhiên, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn cần có lộ trình tính toán rất dài, cũng như sự chuẩn bị công phu. Trên thị trường đã chứng kiến nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu ít thu hút được dòng tiền do nhiều yếu tố. Trong đó, có việc niêm yết không đúng thời điểm đã ảnh hưởng tới tính thanh khoản của cổ phiếu, và trường hợp của Techcombank lên sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường, được giới chuyên gia nhận định có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Techcombank cũng có một số thế mạnh. Dù tổng tài sản không bằng khối NHTM Nhà nước và và một số NHTMCP lớn khác, nhưng hiệu quả khai thác tài sản của Techcombank lại được các chuyên gia đánh giá cao. Xét về quy mô, tổng tài sản của Techcombank chỉ bằng 22,9% tổng tài sản của BIDV và bằng 24,7-27,7% tổng tài sản của Vietinbank và Vietcombank, nhưng đây lại là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm NHTM được BizLIVE khảo sát về hiệu quả khai thác tài sản với ROA lên tới 2,55%, tức với mỗi 100 đồng tài sản, cổ đông Techcombank được nhận 2,55 đồng lợi nhuận. |