“Gã khổng lồ” vận tải của Pháp, CMA CGM đang có tham vọng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam.
>>>Tham vọng của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn với IPP Air Cargo
Mới đây, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của CMA CGM, ông Patric Bergamini đã tiết lộ kế hoạch xin cấp phép cho hãng vận tải bằng đường hàng không tại Việt Nam của hãng tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU tại Brussels vào tuần trước.
Ông Bergamini cho biết hãng sẽ “cam kết tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua việc mở rộng Gemalink và với các giải pháp hậu cần từ Ceva Logistics và CMA CGM Air Cargo”.
Trên thực tế, công ty của Pháp đã đầu tư vào các cảng biển của Việt Nam từ năm 1994 và nắm giữ cổ phần chính trong Cảng Container Gemalink tại cảng nước sâu Cái Mép, phía Nam, cũng như tại cảng Lạch Huyện, phía Bắc thành phố Hải Phòng.
Mặc dù giai đoạn hai của Gemalink đã được tiến hành, cũng như khoản đầu tư của CMA CGM vào một cảng cạn mới gần Thành phố Hồ Chí Minh. Song, việc vận hành bộ phận vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của hãng là một động thái rất khác, nó được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá lớn trong lĩnh vực vận tải hàng không của Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam được coi là một thách thức không nhỏ với những người mới tham gia trong những năm gần đây. Ví dụ, IPP Air Cargo của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cho đến nay, vẫn chưa thể cất cánh, trong khi ngay cả Vietjet, một hãng hàng không chở khách lâu đời, cũng phải vật lộn để triển khai hoạt động vận tải hàng hóa, bất chấp tham vọng từ lâu.
Trong khi đó, CMA CGM Air Cargo, hãng hàng không của công ty vận tải khổng lồ CMA CGM có trụ sở tại Pháp, mới chỉ được ra mắt vào đầu năm 2021. Đây là một phần trong kế hoạch chiến lược nhằm tái đầu tư lợi nhuận vận chuyển khổng lồ vào khả năng hậu cần và trở thành nhà cung cấp dịch vụ chìa khóa trao tay cho các công ty đa quốc gia lớn, quan tâm đến việc giảm độ phức tạp của chuỗi cung ứng.
>>>Chính phủ yêu cầu báo cáo sớm việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo
>>>Thương vụ sáp nhập Maersk và LF Logistics lên tới 3,6 tỉ USD
Gần đây, các công ty vận tải đường biển đang có chiến lược đầu tư mới khi bổ sung việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vào hoạt động kinh doanh của họ, khi các chủ hàng tìm kiếm các dịch vụ “cửa hàng một cửa”, nhằm loại bỏ sự phức tạp của hậu cần và biến nó thành một giải pháp tối ưu, hiệu quả để vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.
CMA CGM đã rất nhanh chân khi bắt đầu bộ phận hàng không vào năm ngoái và sẽ có 12 máy bay hoạt động vào năm 2026, trong khi Maersk, hãng vận tải container lớn nhất thế giới, cũng kịp khai trương bộ phận vận chuyển hàng không vào tháng 4 và hiện có đội bay gồm 15 máy bay.
Theo ông Michael Field, nhà phân tích cổ phiếu cao cấp tại Morningstar, vận tải hàng không đang là một khoản đầu tư hấp dẫn đối với các hãng vận tải biển. Theo ông, rất nhiều công ty vận tải đường biển đang “ngập trong tiền” vào lúc này sau vài năm bội thu, và họ đang tìm cách chi tiêu số tiền đó.
Trong khi đó, thời điểm này nhu cầu vận tải hàng không đang cao hơn so với trước đại dịch COVID-19, tăng 2,2% trong nửa đầu năm so với mức của năm 2019, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết. Nhưng, bây giờ có phải là thời điểm tốt để các hãng vận tải đường biển mua máy bay?
Theo báo cáo của CMA CGM cho biết, công ty đã ghi nhận khoản lãi hoạt động 9,2 tỷ USD trong quý thứ ba với tỷ suất lợi nhuận 46%, ngang bằng với kết quả xuất sắc của năm ngoái. Tuy nhiên, công ty lại đang gặp nhiều khó khăn tại thị trường vận tải hàng không ở Mỹ.
Công ty vận tải hàng không non trẻ của CMA CGM đã đột ngột từ bỏ các khách hàng hậu cần và ngừng bán dịch vụ của mình tại Mỹ trong bối cảnh suy yếu của thị trường. Các giám đốc điều hành của CMA CGM dường như đã tính toán rằng họ có thể kiếm được lợi nhuận nhanh hơn bằng cách cho thuê máy bay với mức phí cố định. Nhưng trong bối cảnh lưu lượng vận tải hàng không toàn cầu suy thoái trong năm nay, CMA CGM Air Cargo đã buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Thị trường Mỹ đã vậy, với thị trường Việt Nam, CMA CGM Air Cargo có thể sẽ gặp khó khăn không kém, do tình trạng xuất khẩu sụt giảm hiện nay vì nhu cầu giảm ở châu Âu và Mỹ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 28,4 tỷ USD, giảm 6,3% so với nửa cuối tháng 10 năm 2022. Trong đó, xuất khẩu nửa đầu tháng 11 giảm 16,7% so với nửa cuối tháng 10, chủ yếu do nhu cầu máy tính và sản phẩm điện tử giảm.
Mặc dù vậy, với kinh nghiệm hàng thập kỷ kinh doanh tại Việt Nam, cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ dòng tiền không đáy của công ty mẹ, rất có thể CMA CGM Air Cargo sẽ “làm nên chuyện” tại một thị trường tiềm năng như của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
“Thời điểm vàng” cho vận tải hàng không
04:00, 04/12/2022
Tập đoàn hàng không vũ trụ Airbus cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam
15:00, 30/11/2022
Hãng hàng không Việt giành giải thưởng hãng bay đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng châu Á 2022
15:49, 28/11/2022
IPP “rút lui chóng vánh”, vận tải hàng hoá hàng không có “khó ăn”?
03:00, 20/11/2022
Đầu tư cảng hàng không: Doanh nghiệp cần lộ trình huy động nguồn lực
15:30, 07/11/2022