Không giấu tham vọng giữ vững vị thế Vua tôm trong tương lai bằng các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, chính bản thân Minh Phú lại đang loay hoay với những khẳng định của mình.
Báo cáo thường niên năm 2021 vừa công bố, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MCK: MPC) lên kế hoạch năm 2021 với doanh thu gần 15.775 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu 1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và tăng 108% so với kết quả năm 2020.
Tham vọng lớn
Về định hướng trong năm nay, công ty sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam để đề ra các định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là diễn biến quan hệ Mỹ - Trung, tình hình đại dịch COVID-19 tác động của nền kinh tế Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam, các chính sách điều hành nền kinh tế của Chính phủ và các chính sách của Bộ, ban ngành liên quan đến ngành nghề kinh doanh của Minh Phú.
Cũng trong năm 2021, Minh Phú cũng có chủ trương xây dựng nhà máy Chế biến Thủy sản Minh Phát tại Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau) có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, quy mô công suất 30.000 tấn thành phẩm/ năm. Công ty đặt ra mục tiêu với lộ trình khá khẩn trương, khi dự kiến khởi công dự án ngay trong tháng 5/2021 và đưa vào hoạt động chỉ sau đó 1 năm (tháng 5/2022).
Ngoài dự án trên, Minh Phú cũng đã thông qua rót thêm 235 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thuỷ hải sản Minh Phú Kiên Giang. Việc rót thêm 235 tỷ đồng của Minh Phú vào công ty con MPHG sẽ nâng tổng số vốn góp tại đây lên 1.425 tỷ đồng.
Báo cáo thường niên của Minh Phú cho biết, hiện Minh Phú đang xây dựng trang trại với diện tích 302ha tại Kiên Giang, và có kế hoạch nuôi khoảng 1.000 ao với diện tích 600ha trong năm 2021 nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.
Không chỉ đầu tư rót vốn trực tiếp vào Minh Phú Kiên Giang, Thủy sản Minh Phú còn khá quan tâm đến công ty con này, trong đó có việc cho công ty này vay tiền với lãi suất hấp dẫn chỉ 5%/năm. Tổng số tiền mà Minh Phú cho Minh Phú Kiên Giang vay là 100 tỷ đồng, với mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp này.
Hướng đi sắp tới
Tham vọng lớn nhưng câu hỏi lớn đặt ra với Minh Phú đó là năng lực đặc biệt là năng lực tài chính sẽ đến từ đâu.
Thực tế dòng tiền của Minh Phú khá mạnh từ năm 2019. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 của Minh Phú đạt mức dương tới 2.274 tỷ đồng.
Với dòng tiền khá mạnh, Công ty đã chi tới 692,3 tỷ đồng trả cổ tức năm 2019 và chi 710,8 tỷ đồng trả cổ tức năm 2020. Thậm chí doanh nghiệp thủy sản này có thể trả được cổ tức cao hơn nữa, nhưng theo chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020 của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị thời điểm đó (nay là Tổng giám đốc Công ty) thì cổ đông Nhật Bản không muốn doanh nghiệp chi trả cổ tức quá cao. Cổ đông ngoại khi đó cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 thì không nên chia cổ tức quá cao.
Chủ trương dự phòng dòng tiền của Minh Phú khiến cho doanh nghiệp này đã tích trữ được nguồn lực tài chính khá mạnh cho đến cuối năm 2020. Số dư tiền mặt (và các khoản tương đương tiền) tại thời điểm cuối năm 2020 lên tới 1.110 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn có thêm 1.145 tỷ đồng nằm ở các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Với quy mô dòng tiền hiện có, Minh Phú cho thấy đủ nguồn lực tài chính để triển khai các dự án sắp tới mà không phải chịu áp lực quá lớn về vốn. Tuy nhiên, dòng tiền khi rót vào các dự án mới đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ mất đi nguồn thu nhập từ hoạt động tài chính. Riêng trong năm 2020, doanh thu hoạt động tài chính mà Minh Phú được hưởng lên tới 203 tỷ đồng. Trong khi đó, các dự án mới đầu tư đạt hiệu quả đến đâu vẫn phải chờ câu trả lời của tương lai.
Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển tham vọng đầu tư các dự án lớn đã được Chủ tịch Minh Phú, ông Lê Văn Quang khẳng định trong bài phát biểu gửi đến cổ đông tại báo cáo thường niên 2020. Theo đó, ông Lê Văn Quang cho biết, 5 năm tới 2021 - 2025, Minh Phú đã phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon. Chuỗi giá trị tôm này sẽ được triển khai xây dựng dưới 5 mô hình chính:
Thứ nhất, Khu phức hợp nuôi Tôm Công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn: kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) để quản lý nuôi tôm...;
Thứ hai, Khu phức hợp nuôi Tôm Sú Quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường;
Thứ ba, Khu phức hợp nuôi Tôm Sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường: mục tiêu lớn là trồng được 1 vành đai rừng đước từ Hà Tiên, Kiên Giang đến Cần Giờ, TP. HCM, bên trong đó là các khu vực quy hoạch nuôi tôm rừng đước hữu cơ;
Thứ tư, Khu phức hợp nuôi Tôm Sú - Lúa hữu cơ (2 vụ tôm Sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường: tạo ra sản phẩm tôm Sú hữu cơ chất lượng cao và luân canh với trồng giống lúa;
Thứ năm, Con giống quyết định trên 60% thành công của nuôi tôm. Để có con giống tốt, chất lượng cao Minh Phú đề xuất xây dựng khu sản xuất tôm Sú và tôm Thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh lớn nhanh cùng khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận kết hợp khu sản xuất con dời và tảo làm thức ăn cho tôm.
Có thể bạn quan tâm
Vượt ải phòng vệ thương mại: Thấy gì từ thắng lợi của "Vua tôm" Minh Phú?
06:00, 20/02/2021
Bài học từ “Vua tôm” Minh Phú thắng kiện chống bán phá giá
11:00, 24/02/2021
Tôm Minh Phú - Thời hoàng kim trở lại?
11:00, 18/02/2021
Hoa Kỳ hủy bỏ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm Minh Phú
21:00, 17/02/2021