Thách thức tăng trưởng kinh tế 2019

Song Nhi 31/03/2019 05:04

Theo Bộ KH&ĐT, tăng trưởng GDP quý I/2019 ước tính 6,58% so với cùng kỳ 2018. Mức tăng này thấp hơn cả GDP quý I của kịch bản theo phương án thấp đã được đưa ra từ cuối 2018.

Để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8% trong năm 2019, Bộ KH&ĐT cập nhật lại tốc độ tăng trưởng 3 quý còn lại lần lượt phải là: 6,77% - 7,13% - 6,7%. Điều này có nghĩa nền kinh tế Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

br class=

Tăng trưởng GDP giai đoạn từ 2007 tới 2018 và dự kiến 2019.

Dư địa tăng trưởng giảm dần

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/2019 diễn biến đúng quy luật khi tăng nhẹ trong tháng 1/2019 (0,1% so với tháng trước), tăng cao trong tháng 2 (0,8%) và giảm trong tháng 3 (ước giảm 0,21%). CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 - mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây (quý I/2017 là 4,96%, quý II/2018 là 2,82%).

Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo khoa học gần đây, GS TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh như dự kiến nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng.

“Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng”, GS. TS Trần Thọ Đạt cho biết và nhấn mạnh, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lo ngại, thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Có thể bạn quan tâm

  • Thương mại số là chìa khóa giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh

    01:01, 27/03/2019

  • "Động lực" tăng trưởng kinh tế năm 2019

    03:00, 07/03/2019

  • Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá tăng trưởng kinh tế năm 2019

    09:58, 12/02/2019

  • Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7% năm 2019

    04:00, 11/02/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam tại WEF 2019

    07:12, 25/01/2019

Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những con số thực tế đã cho thấy, động lực tăng trưởng, tiềm năng cho tăng trưởng vẫn còn nhiều, vấn đề là chúng ta phải làm sao để khai thác hết các tiềm năng tăng trưởng đó.

“Hiện nay chúng ta có 5 động lực cho tăng trưởng gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khu vực kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy trong năm 2019, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn nào? Trước hết, đó là sự biến động của kinh tế thế giới như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chưa kết thúc; giá nhiên liệu thế giới phụ thuộc vào nguồn cung, giá dầu tăng do hiện nay các nước OPEC đang siết nguồn cung, đồng thời dự trữ của các nước Âu Mỹ thấp dẫn tới dầu tăng cao, cản trở tăng trưởng GDP”, ông Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại.

Đáng chú ý, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, từ 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ…mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 cũng đã chỉ đạo, phải tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng kịch bản đã đề ra. Đặc biệt, các bộ, ngành phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế.

Rõ ràng, động lực tăng trưởng cho năm 2019 và những năm sắp tới phải xuất phát từ nội lực thực sự của nền kinh tế. Sẽ cần rất nhiều hành động thiết thực với những định hướng, chỉ đạo và cả quyết tâm của chính chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức tăng trưởng kinh tế 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO