Thời gian qua, Hải quan Thái Bình tăng cường triển khai ứng dụng chuyển đổi số. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
>>>Thái Bình: Hướng dẫn thực hiện Bộ chỉ số DDCI trên nền tảng công nghệ số cho doanh nghiệp
Theo Chi cục Hải quan Thái Bình, xác định chuyển đổi số là cơ sở quan trọng để xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, Chi cục Hải quan Thái Bình thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện phương thức quản lý điện tử, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa.
Hiện Chi cục đang làm thủ tục hải quan cho gần 500 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động theo các loại hình kinh doanh, gia công, sản xuất hàng xuất khẩu và chế xuất, trong đó có 250 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên.
Ông Trần Quốc Chính - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Đến nay, toàn bộ quy trình xử lý thủ tục hải quan tại Chi cục đều được số hóa, chính vì thế doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch với cơ quan hải quan ở bất kỳ đâu mà không cần phải đến trụ sở của Chi cục. Với hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS được áp dụng từ năm 2014, trung bình 1 ngày, Chi cục giải quyết khoảng 300 - 500 hồ sơ xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong đó hồ sơ luồng xanh sau khi khai quan đầy đủ, chỉ mất vài giây là có thể thông quan ngay.
Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan Thái Bình còn tăng cường hỗ trợ giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả bằng các hình thức như: trả lời bằng văn bản, zalo, điện thoại...; thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu giải quyết hồ sơ giấy đồng thời thường xuyên rà soát, nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đẩy mạnh thông quan tự động, ngành Hải quan phối hợp với các ngân hàng thương mại thực hiện nộp thuế điện tử thông qua Cổng thanh toán điện tử hải quan. Đến nay 100% thuế, phí, lệ phí hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bằng phương thức điện tử tiên tiến.
Đến nay, toàn ngành đã cung cấp hơn 200 dịch vụ công trực tuyến; từ đó tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp được thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí; thủ tục với phương tiện vận tải đường biển bằng phương thức điện tử (qua mạng internet).
Cùng với việc đẩy mạnh số hóa trong xử lý thủ tục hải quan, thời gian qua, Chi cục Hải quan Thái Bình còn chủ động đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, đồng thời chú trọng thực hiện hải quan điện tử toàn phần. Đến nay, 90% các báo cáo của Chi cục được thực hiện trên hệ thống cloud office - là hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ tài liệu và điều hành quản trị công việc toàn diện và chuyên nghiệp, được thiết kế một cách khoa học với đầy đủ chức năng trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp và quản lý văn bản, điều hành công việc trực tuyến trên mạng máy tính; thực hiện báo cáo trên hệ thống nghiệp vụ thông quan điện tử với các đề xuất kiểm tra thực tế hàng hóa, mang hàng về bảo quản, lấy mẫu phân tích phân loại và thực hiện báo cáo trên hệ thống quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan thành phố Hải Phòng với các đề xuất kiểm tra cơ sở sản xuất, báo cáo quyết toán của doanh nghiệp...
Ngoài ra, Chi cục Hải quan Thái Bình còn triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp như: tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp về các chính sách mới, kế hoạch chuyển đổi số của ngành hải quan; đối thoại thường niên với doanh nghiệp, trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế.
Với phương châm “tận tình hướng dẫn - thái độ lịch sự - tác phong nhanh nhẹn”, thời gian tới, Chi cục Hải quan Thái Bình bám sát chỉ đạo của ngành, tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, bảo đảm làm chủ được công nghệ thông tin trong kế hoạch chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm cập nhật tờ khai, số liệu, truyền tin đầy đủ, kịp thời, phục vụ tốt cho công tác quản lý rủi ro của ngành...
Được biết, 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục đã tiếp nhận 1.200 hồ sơ thủ tục hành chính (268 hồ sơ trực tuyến và 945 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính), trong đó giải quyết 100% hỗ sơ đúng hạn.
Năm 2023, Chi cục Hải quan Thái Bình được giao chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn 2.800 tỷ đồng. Đến giữa tháng 7/2023 tổng số thu của Chi cục đạt hơn 940 tỷ đồng, bằng 34% dự toán, bằng 53% so với năm 2022. Để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023, Hải quan Thái Bình tiếp tục tăng cường công tác giám sát quản lý về hải quan theo định hướng phát triển, vận hành mô hình quản lý hải quan số, hải quan thông minh, hiện đại hóa thiết bị giám sát, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan, tạo thuận lợi thương mại cho hoạt động XNK, đầu tư nước ngoài, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu và chống thất thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan; tích cực tham gia xây dựng hải quan số, sẵn sàng thí điểm mô hình hải quan thông minh; chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan về chuyển đổi số của tỉnh Thái Bình; tập trung nghiên cứu, tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực.
Có thể bạn quan tâm