Việc thực hiện dự án KCN Dược - Sinh học đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới. Thái Bình cam kết tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện dự án.
>>>Thái Bình: Nỗ lực trong công tác chuyển đổi số
>>>Thái Bình: Bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về việc triển khai dự án KCN Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ.
Tiềm năng
Dự án KCN Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là một trong 2 dự án đầu tiên của cả nước được triển khai theo Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo quy hoạch, dự án KCN Dược - Sinh học dự kiến có quy mô khoảng 300ha; suất đầu tư hạ tầng khoảng 9 tỷ đồng/ha. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 1 khoảng 800 triệu USD, giai đoạn 2 khoảng 2 tỷ USD. KCN gồm có các trung tâm, viện nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ hậu cần logistics và khối nhà máy sản xuất.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận cho biết, Thái Bình có nền tảng hạ tầng về y tế rất phát triển và được Chính phủ giao xây dựng thành trung tâm về y tế chất lượng cao, công nghệ cao của cả nước. Việc thành lập KCN Dược – Sinh học tại Thái Bình là rất phù hợp và đáp ứng các yêu cầu cũng như định hướng phát triển của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới. Thái Bình đã sẵn sàng đón nhận dự án.
>>>Thái Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI
Còn theo đánh giá của Bộ Y tế, Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển KCN này, nhất là tỉnh có nguồn lao động dồi dào, số người trong độ tuổi lao động trên 1,2 triệu người. Tỉnh Thái Bình hiện có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 23 trường dạy nghề. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có trường Đại học Y dược Thái Bình và trường Cao đẳng Y tế Thái Bình. Các trường này có quy mô đào tạo hàng chục nghìn sinh viên y dược, đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ KCN Dược - Sinh học. Ngoài ra, Thái Bình còn có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển các vùng dược liệu phục vụ KCN.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ triển khai Quyết định số 376 cho biết, phát triển KCN Dược - Sinh học là nhiệm vụ rất quan trọng, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm. Thái Bình là địa phương có vị trí và các điều kiện phù hợp nhất để thành lập KCN dược - sinh học đầu tiên của Việt Nam tại khu vực phía Bắc. Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng nhà đầu tư và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh những công việc liên quan đến quy hoạch KCN Dược - Sinh học tại Thái Bình; xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, bảo đảm thu hút đầu tư hiệu quả vào KCN.
Sẵn sàng triển khai GPMB phục vụ dự án
Theo các chuyên gia nhận định, Thái Bình phù hợp để triển khai KCN Dược – Sinh học vì có vị trí thuận lợi về giao thông khi giáp các tuyến đường huyết mạch như đường Thái Bình - Hà Nam, quốc lộ 10...; hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối với các cảng hàng không, cảng biển, đất đai có tính chất thuận lợi để GPMB nhanh.
Để sớm hiện thực hóa dự án KCN Dược – Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ, mới đây, tại buổi làm việc giữa BCĐ triển khai Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tỉnh Thái Bình, theo ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế, BCĐ Quyết định số 376 thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc triển khai KCN Dược - Sinh học tại Thái Bình.
Do đó, đề nghị tỉnh Thái Bình khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, cập nhật quy hoạch KCN Dược - Sinh học vào Quy hoạch tỉnh để báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia về Quy hoạch tỉnh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. BCĐ thống nhất đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất phát triển công nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Thái Bình.
Cũng theo ông Tuyên, để dự án được triển khai thuận lợi cần rà soát để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối; đồng thời, thống nhất với một số chủ trương về xác định hình thức và đối tượng ưu đãi đầu tư vào KCN; vấn đề về kinh phí, khảo sát và quy hoạch phân khu trong KCN; tiến hành các nhiệm vụ để xúc tiến, thu hút đầu tư, bổ sung thành viên BCĐ...
Còn theo ông Nguyễn Khắc Thận cho biết, Thái Bình khẳng định quyết tâm cao trong triển khai dự án, trong đó sẵn sàng triển khai GPMB phục vụ dự án từ quý IV/2023 và quý I/2024. Tỉnh Thái Bình cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất từ lập quy hoạch, GPMB đến bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh, an ninh trật tự để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.
Được biết, liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Thái Bình đã bổ sung dự án KCN Dược - Sinh học vào quy hoạch KCN của Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu đất KCN tỉnh trong kỳ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025. Địa phương này cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án; tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000.
Trước đó vào tháng 4/2023, UBND tỉnh Thái Bình cùng với liên danh các nhà đầu tư của Singapore và Việt Nam tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ về nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Dược – Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ. Liên danh các nhà đầu tư gồm: Quỹ Makara Capital Partners Pte,.Ltd, Sake Corporate Advisory Pte,.Ltd và Công ty Cổ phần Newtechco Group.
Theo đại diện liên danh các nhà đầu tư cho biết, dự án KCN Dược – Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ không chỉ cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu với giá trị cao. Phía các nhà đầu tư mong muốn KCN Dược – Sinh học sớm được thành lập và triển khai.
Có thể bạn quan tâm