Thái Bình đã khẩn trương hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn sạch cho các hộ dân sau nạn dịch tả lợn châu Phi.
Từ tháng 2-3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn vị mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 4.200 con với tổng trọng lượng hơn 297 tấn.
Theo đó, giá lợn tại một số địa phương như Hải Dương, Hưng Yên nhanh chóng giảm 4.000 - 5.000 đồng/kg. Mỗi tấn lợn xuất bán, người nuôi lỗ 4 - 5 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
20:00, 22/03/2019
01:29, 20/03/2019
15:29, 19/03/2019
Thái Bình là địa phương có tổng đàn lợn lớn của khu vực. Dịch tả châu Phi đã gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là ách tắc trong khâu tiêu thụ ở những đàn lợn còn khỏe mạnh, sạch bệnh. Thịt lợn là thực phẩm phổ biến trên bữa cơm của người Việt Nam, tâm lý người tiêu dùng ngại không muốn dùng sản phẩm ở vùng đang có dịch đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm thịt tại các địa phương có dịch.
Có những hộ chăn nuôi lợn trang trại đã có biện pháp phòng bệnh triệt để để không bị mắc dịch, nhưng lại gặp khủng hoảng ở khâu xuất chuồng, lợn càng lớn thì nhu cầu tiêu thụ lại càng cao. Để tháo gỡ khó khăn, Tỉnh ủy Thái Bình đã có văn bản thông báo, đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương và người dân hiểu đúng về bản chất vấn đề, không quay lưng với thịt lợn sạch bệnh.
Theo đó, mỗi người mua hỗ trợ từ 10kg thịt lợn hơi trở lên ngay trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và các ngày tiếp theo để giúp hộ chăn nuôi bớt đi gánh nặng kinh tế trong việc đầu tư chuồng trại, chi phí thức ăn. Đặc biệt, tỉnh đã kêu gọi các cán bộ công nhân viên, lãnh đạo các ban ngành tiên phong trong việc “giải cứu” thịt lợn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, hiện trên địa bàn còn tồn đọng khoảng hơn 76.500 con lợn thịt khỏe mạnh, đến kỳ xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được. Nếu không sớm được tiêu thụ thì nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi dẫn đến phải tiêu hủy, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Là đơn vị đi đầu hưởng ứng phong trào, đến nay Hiệp hội đăng ký thu mua khoảng 100 tấn thịt lợn sạch cho bà con. Ngoài ra, Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp các ban của Tỉnh ủy hỗ trợ thu mua khoảng 1,7 tấn thịt lợn hơi. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình ngay trong ngày hôm qua (2-5) đã vận đông toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng mua ủng hộ hơn một tấn thịt lợn sạch”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một chủ chăn nuôi có lợn sạch được tiêu thụ chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi được các cấp lãnh đạo quan tâm kịp thời và giải cứu cho chuồng lợn của tôi. Tuy số lượng của nhà tôi không nhiều bằng các hộ có trang trại khác nhưng nếu kéo dài thì chúng tôi thực sự khó khăn và khủng hoảng”.
Đây là một việc làm hết sức thiết thực và hiệu quả của tỉnh Thái Bình trong việc khắc phục sau khi tắt dịch. Thực tế, những con lợn sạch, khỏe mạnh vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công tác tuyên truyền cần đi sâu và sát vào nhân dân để nhân dân nhận thức được và ủng hộ thịt lợn.
Đây là giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục tình trạng lợn đang bế tắc đầu ra, giúp người dân yên tâm quay trở lại dùng thịt lợn sẽ là cứu cánh với các hộ chăn nuôi lớn và sớm ổn định cán cân kinh tế của địa phương, ông Thịnh cho hay.