Để hiện thực hoá Nghị quyết số 02-NQ/TU về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, tỉnh Thái Bình nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm “khơi thông” những điểm nghẽn.
Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Bình cho biết: UBND tỉnh đã ban hành, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc triển khai chuyển đổi số tỉnh Thái Bình bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận ở cả 3 trục: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về chính quyền số, 9 tháng đầu năm nay Sở TT&TT tuyên truyền 82 tin, bài, ảnh, clip; phát 08 chuyên mục "Chuyển đổi số", 20 phóng sự phát thanh và truyền hình về chuyển đổi số... Tính đến ngày 09/9, toàn tỉnh có 817.250 người sử dụng thẻ căn cước công dân khám chữa bệnh...
Đối với kinh tế số, Sở Công Thương đã xây dựng website, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT vào hoạt động SXKD cho 11 doanh nghiệp; 18 doanh nghiệp xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; 03 đơn vị ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh, 03 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước (Alibaba, Sendo, Shopee)...
Riêng xã hội số, 100% các cơ sở giáo dục đã thực hiện giao dịch thu, chi ngân sách qua cổng dịch vụ công. Số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đã đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 1.569.589/1.619.497 trường hợp đạt 97%... Đặc biệt, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 62% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia...
Để hiện thực hoá các mục tiêu, nhiệm vụ theo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Lâm chia sẻ: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là nhận thức đúng... Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng số tại địa phương khó thực hiện do phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dân”.
Để hoá giải những “điểm nghẽn” trên, ông Lâm bộc bạch: Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từng bước hình thành dữ liệu lớn toàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác các chuyên gia chuyển đổi số, các tập đoàn công nghệ hàng đầu để hỗ trợ chuyển đổi số cho tỉnh.
“Tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 5G; Tăng cường tuyên truyền cho người dân sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet để tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến và khai thác các dịch vụ từ Chính quyền số...”, ông Lâm nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm