Với gần 200 làng nghề, Thái Bình từ lâu được biết đến là miền đất của những sản vật với trăm nghề. Mỗi làng nghề đều có những sản phẩm đặc sắc đẹp về mỹ thuật, tinh xảo về kỹ thuật và chất lượng cao.
>>>Thái Bình: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tạo liên kết đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Từ những sản vật đặc sắc...
Thái Bình có gần 200 làng nghề nằm ở khắp các xã, thị trấn. Mỗi làng nghề đều có những sản phẩm đặc sắc đẹp về mỹ thuật, tinh xảo về kỹ thuật và chất lượng cao. Tiêu biểu phải kể đến các làng nghề: chạm bạc Đồng Xâm, dệt đũi Nam Cao, mây tre đan Tây An, rèn An Tiêm, thêu Minh Lãng, chiếu Hới Tân Lễ, bánh đa Quỳnh Côi, bánh cáy Nguyên Xá...
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình hiện có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3, 4 sao. Một số sản phẩm mang bản sắc riêng của vùng quê lúa, có thương hiệu trên thị trường cả nước như mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân. Một số sản phẩm là hàng nông sản, thực phẩm nức tiếng, là niềm tự hào của địa phương như gạo nếp cái hoa vàng Thụy Ninh, gạo nếp làng Keo, gạo chợ Gốc, trứng vịt biển Đông Xuyên...
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Thái Bình cũng có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ngành hàng dệt, sợi, may mặc đóng vai trò chủ lực, các sản phẩm thủ công mây tre đan, thêu và máy cấy, xe đạp, các loại máy nông cụ như máy thái bèo, máy tuốt lạc, máy tách hạt ngô, máy bơm nước có chất lượng cao, sức cạnh tranh tốt và là niềm tự hào về sức sáng tạo của người dân Thái Bình.
Ngoài ra, các sản phẩm gốm sứ, gạch ốp lát, thủy tinh, pha lê, sứ dân dụng được sản xuất bởi các nhà máy tại khu công nghiệp Tiền Hải với khả năng cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu với sản lượng lớn. Các sản phẩm điện gia dụng cao cấp thương hiệu Aidi, sản phẩm đồ uống của Tập đoàn Hương Sen, bánh kẹo thương hiệu Bảo Hưng... đều là những nhãn hàng được sản xuất theo dây chuyền công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao và xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nét nổi bật về khôi phục và phát triển nghề, làng nghề ở Hưng Hà. Đây là huyện có nhiều làng nghề nhất tỉnh và vẫn là điểm sáng suốt 10 năm qua. Theo lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà cho biết: Đại phương đã khôi phục, phát triển được 72 làng và 49 nghề. Trong đó, 45 làng và 2 xã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Từ vùng dệt cổ truyền ở làng Mẹo (thôn Phương La, xã Thái Phương). Hưng Hà đã nhân ra 26 xã của huyện, với 4.675 máy dệt cải tiến, giải quyết việc làm cho 12.000 lao động. Mỗi năm nghề dệt đã làm ra giá trị sản xuất khoảng 573 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), chiếm 47% tổng GTSXCN - TTCN của huyện.
Nghề mộc của Hưng Hà cũng nổi tiếng khá sớm, với sản phẩm "Giường hòm" và nghề dệt chiếu, mỗi năm sản xuất được 8 triệu đến 9 triệu lá chiếu các loại, đưa lại GTSX không nhỏ (251 tỷ đồng/năm). Nghề chiếu cũng đang được cơ giới hoá. Hiện tại, Hưng Hà có 100 hộ đầu tư mua máy dệt chiếu tự động. Chiếu Hưng Hà đang chiếm 75-80% thị phần khu vực đồng bằng sông Hồng…
Hưng Hà còn nhiều nghề và làng nghề nổi tiếng khác như làm hương thờ cúng ở Duyên Hải, dệt mành tre ở làng Tây Xuyên; làm bún bánh ở xã Tân Hoà. Nghề dệt khăn phát triển đã tạo ra nghề viền khăn, với 7.200 máy may và thu hút 8.120 lao động. Tiếp đến là nghề mây tre đan trước tạo việc làm cho 126.000 người.
... đế ứng dụng KHCN để đưa sản phẩm vươn xa
Ngày nay, nhiều chủ doanh nghiệp đi lên từ làng nghề như công ty dệt Toàn Thắng, dệt Thăng Long, dệt Hưng Thịnh, công ty Thái Việt… Toàn tỉnh đã có hàng trăm doanh nghiệp phát triển từ làng nghề. Chính họ cũng đang là "bà đỡ" để cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề sản xuất ổn định, phát triển và đóng góp ngân sách cho nhà nước. Doanh nghiệp làng nghề ra đời phát triển, đã xuất hiện nhu cầu xây dựng qui hoạch cụm công nghiệp.
Theo ông Đỗ Văn Vẻ - Chú tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm qua, Thái Bình có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, làng nghề, hợp tác xã và doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho 3 trụ cột hàng hóa là sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống và các sản phẩm đặc trưng.
Nhiều sản phẩm của Thái Bình sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị. Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển, thịt vịt biển Đông Xuyên đã đưa vào tiêu thụ tại 26 cửa hàng, siêu thị ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Siêu thị Go Thái Bình đã hợp tác với 11 doanh nghiệp của tỉnh đưa hơn 300 mã hàng hóa khác nhau như các sản phẩm gạo, bánh phở khô, bánh nướng, ngao, bánh cáy, kẹo lạc, trà các loại, đồ gốm sứ, các loại rau, củ, quả, hàng tươi sống.
Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết: Các sản phẩm của tỉnh được bán tại siêu thị có doanh số khá, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, đánh giá chất lượng tốt. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục làm việc với Central Group để đưa các mặt hàng của tỉnh vào chuỗi siêu thị của Tập đoàn ở trong nước cũng như xuất khẩu thông qua mạng lưới phân phối của họ.
Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 64 sản phẩm OCOP, 25 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đây đều là những sản phẩm có quy mô khá, theo tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP 3, 4 sao, ISO, HACCP được tỉnh lựa chọn để tập trung giới thiệu, kết nối với các tập đoàn phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Được biết, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khi khảo sát tại Thái Bình đã đánh giá đây là địa bàn nhiều tiềm năng để khai thác bởi tỉnh Thái Bình có gần 9.000 doanh nghiệp và gần 3.000 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động hàng năm tạo ra lượng hàng hóa rất lớn. Sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng cao và có giá thành cạnh tranh là những ưu điểm hấp dẫn thương nhân phân phối và người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm