Năm 2021, kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nông nghiệp đã trở thành điểm tựa góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
>>>Nông nghiệp thay đổi thể chế để khơi thông nguồn lực
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế xã hội nhưng ngành nông nghiệp Thái Bình năm 2021 vẫn vượt khó vươn lên, hoàn thành các tiêu chí đã đề ra. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 28.412 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2020, trong đó trồng trọt tăng 0,8%, chăn nuôi tăng 3,9%, thủy sản tăng 4,2%.
Dù quy mô và giá trị sản xuất của doanh nghiệp nông nghiệp nhìn chung, không bằng các doanh nghiệp công nghiệp, nhưng sức lan tỏa lại rất lớn, ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ nông dân. Đơn cử như HTX Bình Định đã tạo dựng được 4 vùng liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa giống với Tập đoàn ThaiBinh Seed và một doanh nghiệp khác, tổng diện tích hơn 200ha. Ngoài ra, HTX cũng liên kết sản xuất và cung ứng theo đơn đặt hàng khoảng 3.000 - 4.000 tấn lúa thương phẩm chất lượng cao mỗi năm cho doanh nghiệp Hưng Cúc (tại địa phương).
Điểm đặc biệt ở HTX Bình Định là người dân góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất để xoá bỏ bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng và đầu tư đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nội đồng phục vụ cơ giới hoá tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và bao tiêu sản phẩm. Cuối vụ, bà con sẽ được chia lợi tức với số tiền khoảng 1,6 triệu đồng/sào.
Theo ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc HTX Bình Định, người dân góp ruộng đất cho HTX đều được số hoá thông tin và quản lý bằng phần mềm chuyên dụng, công khai trên Website. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì bà con vẫn được hưởng toàn bộ quyền lợi trên thửa đất đó (khác với việc nông dân cho doanh nghiệp thuê đất 10 – 20 năm).
>>Nông nghiệp thay đổi thể chế để khơi thông nguồn lực
>>Xuất khẩu ngành nông nghiệp: Tạo đà bứt phá
Nhờ chỉnh trang đồng ruộng trên diện tích lớn, HTX Bình Định ứng dụng cơ giới hoá và thực hiện dịch vụ tất cả các khâu như làm mạ khay – máy cấy, làm đất, quy trình bón phân một lần/vụ; phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, gặt lúa..., tiếp đến là bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, lợi tức của các thành viên góp đất cho HTX tăng lên 430.000 đồng/vụ so với lợi nhuận bình quân của các hộ tự trồng lúa ngoài mô hình.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, “phi nông bất ổn” chưa bao giờ lại là chân lý vững chắc đến như vậy. Mọi lĩnh vực đều bị tác động nặng nề bởi đại dịch, nhưng ngành Nông nghiệp Thái Bình vẫn giữ được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế của toàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh quốc phòng, tạo sức bật, đột phá mới nhằm ổn định và phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài việc cơ cấu lại theo từng lĩnh vực, kế hoạch chỉ rõ nhiệm vụ cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương), cơ cấu theo vùng.
Phấn đấu đạt mục tiêu: tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,1%/năm; xây dựng 8 - 10 sản phẩm trồng trọt chế biến và chế biến sâu mang thương hiệu của tỉnh; toàn tỉnh có khoảng 2.390 trang trại, trong đó 40% là trang trại quy mô vừa và lớn; diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh, công nghệ mới khoảng 3.000ha, chiếm 25 - 30% diện tích nuôi trồng thủy sản.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ba giải pháp đột phá được đưa ra là quy hoạch, quy vùng sản xuất hàng hóa (vùng ưu tiên cho nông dân sản xuất theo nông hộ; vùng dành cho nông dân tích tụ từ 2ha trở lên; vùng sản xuất liên thôn, liên xã, liên huyện thu hút doanh nghiệp đầu tư); phát triển các hình thức sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Tại buổi thăm mô hình tập trung ruộng đất tại Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sản lượng lúa của Thái Bình đứng tốp đầu miền Bắc, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng lúa mỗi năm của Đồng Tháp là 3 triệu tấn, Kiên Giang là 4,5 triệu tấn... Bởi vậy, Thái Bình nói riêng và các tỉnh ĐBSH nói chung bên cạnh việc áp dụng các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị cho lúa gạo, cũng cần cách tiếp cận theo hướng khác để định vị giá trị và thương hiệu của hạt gạo thông qua xác định phân khúc thị trường chất lượng cao, các sản phẩm gạo đặc sản, điều này sẽ khác với các tỉnh ĐBSCL lúa gạo chủ yếu phục vụ xuất khẩu số lượng lớn.
Theo ông Đinh Văn Thụy - Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình, trên cơ sở quy trình sản xuất tốt, chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu gạo Thái Bình bằng cách gắn sản phẩm với những giá trị văn hoá quê hương. Hiện toàn tỉnh có 5 thương hiệu gạo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận tiêu chuẩn, đủ điều kiện để tham gia thị trường, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Để xây dựng được thương hiệu, các HTX phải có sự đổi mới toàn diện từ khâu sắp xếp tổ chức sản xuất, thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào. Trước đây, nông dân tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào hàng xáo, hàng xáo bán cho đại lý và nhà máy chế biến, nhưng bây giờ họ dựa vào HTX. HTX tự tổ chức sản xuất, khi có sản phẩm thì sơ chế, chế biến và bán ra thị trường nên giảm bớt khâu trung gian – ông Thụy nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nông nghiệp đề xuất kéo dài thời gian vay vốn từ 8-10 năm
00:22, 30/12/2021
Xuất khẩu ngành nông nghiệp: Tạo đà bứt phá
10:34, 29/12/2021
Ngành Nông nghiệp: Cam kết đồng hành, hút đầu tư theo chiều sâu
20:13, 07/12/2021
Bình Phước: Phát triển nông nghiệp bền vững
18:15, 26/11/2021
Bình Dương thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
15:27, 26/11/2021