Với quyết tâm không để người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
>>>Doanh nghiệp Thái Bình thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
Tăng cường kiểm tra
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, những năm qua, Thái Bình đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Nghiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được Cục đặt lên hàng đầu. Năm qua, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra 899 vụ, phát hiện, xử lý 656 vụ vi phạm, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3,6 tỷ đồng.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu, tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm tang vật vi phạm như bánh kẹo, thuốc lá, mỹ phẩm, linh kiện xe máy, đồng hồ, quần áo, giày dép các loại với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Chúng tôi cũng tuyên truyền, cấp 8.000 tờ rơi phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền người tiêu dùng; hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, khuyến cáo người dân nhận biết, phân biệt được hàng thật, hàng giả cũng như các thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Sở Công Thương: Thời gian qua, Sở đã nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường: bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá trái quy định. Sở cũng huy động lực lượng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh có điều kiện và hàng giả, cung cấp thông tin và hướng dẫn, xử lý chống hàng giả, hướng dẫn Hội BVQLNTD tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng.
Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, lấy mẫu thử nghiệm được tăng cường. Đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kịp thời ngăn chặn, thu hồi hàng hóa kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Qua đó, thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; giúp người sản xuất, kinh doanh nâng cao nhận thức, làm đúng các quy định của pháp luật.
Công tác quản lý, kiểm định các phương tiện giao thông, thiết bị có yêu cầu nghiệm ngặt về an toàn đã được nâng cao; các đơn vị kiểm định đã chấp hành tốt quy định, quy trình, tiêu chuẩn về kiểm định. Các sản phẩm vật liệu xây dựng trước khi đưa vào sử dụng đều đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định, đã được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và đưa vào công bố giá vật liệu xây dựng để các tổ chức, cá nhân quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, dược phẩm có chuyển biến, cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh đã được cải thiện; ô nhiễm hóa chất, vi sinh vật giảm, số lượng vi phạm giảm so với trước đây.
Năm qua, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các sở, ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực; phần lớn các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chấp hành các quy định pháp luật; các sản phẩm, hàng hóa được quản lý chặt chẽ đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Cam kết vì người tiêu dùng
Trước xu hướng hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng, dồi dào cả về số lượng, chủng loại, để quản lý và giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, dịch vụ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) thường xuyên tổ chức khảo sát thị trường, tiến hành lấy mẫu để đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa các loại: bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, sữa, thiết bị điện, điện tử, xăng, dầu, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, qua đó kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh, xử lý. Chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đối với các nhóm sản phẩm: xăng, dầu, vàng, bạc trong sản xuất và lưu thông trên thị trường.
Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh cho biết: Năm 2023, Sở Công Thương đã tiếp nhận 2.700 thông báo và chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, đồng thời thực hiện giám sát một số chương trình khuyến mại. Sở đã triển khai chương trình tháng khuyến mại tập trung trên địa bàn tỉnh mang đến quyền lợi thiết thực cho người tiêu dùng.
Bà Đinh Thị Hồng Thanh, Giám đốc siêu thị Go! Thái Bình cho biết: Chúng tôi luôn thực hiện nghiêm quy định thời gian bán hàng; duy trì khoảng 40.000 mã sản phẩm với sản lượng đủ lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và có kế hoạch nhập hàng phù hợp bảo đảm chất lượng và không để xảy ra thiếu hàng cục bộ vào các dịp cao điểm. Hàng tháng, siêu thị đều có các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng mang lại cơ hội mua sắm và nhiều quyền lợi thiết thực cho người tiêu dùng.
Theo Sở Công thương: Để các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân chung tay nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nhận thức toàn diện, sâu rộng hơn các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong tỉnh cùng xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh; sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý.
Các doanh nghiệp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, được cung cấp thông tin, bảo đảm đưa ra các quyết định mua sắm đúng đắn và an toàn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm quy định pháp luật.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Theo Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh: Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá cho biết: Thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa để phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa cơ quan chuyên môn trong từng lĩnh vực với lực lượng chuyên trách như Quản lý thị trường, Hải quan, Công an… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động thanh kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa và thông tin cảnh báo đối với hàng hóa có chất lượng vi phạm quy chuẩn, độc hại, để người tiêu dùng cảnh giác khi mua bán, sử dụng. Đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra giữa các đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người tiêu dùng được biết và phòng ngừa.
Có thể bạn quan tâm