Dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014 nhưng đến nay, dự án Nhà máy xử lý rác 300 tấn/ngày và phát điện 5MW vẫn “im lìm” sau nhiều lần đề xuất điều chỉnh.
Mới đây, Công ty Cổ phần Môi trường xanh Thái Bình đề xuất điều chỉnh dự án đầu tư nhà máy xử lý rác 300 tấn/ngày và phát điện 5MW tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình với các nội dung: thông tin nhà đầu tư (thay đổi người đại diện pháp luật); mục tiêu, quy mô đầu tư (bổ sung xử lý rác thải công nghiệp) và tiến độ dự án (điều chỉnh tiến độ thời gian hoàn thành dự án từ quý IV/2016 thành quý IV/2021).
Theo ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh, dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với thành phố Thái Bình nói riêng mà cả với tỉnh nói chung bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải nào vừa có công nghệ hiện đại, vừa phát điện, lại bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy các sở, ngành và thành phố Thái Bình tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai thực hiện.
Được biết, Dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải 300 tấn/ngày và phát điện 5MW tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014 với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt bằng thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, biến nguồn chất thải rắn sinh hoạt thành nguồn tài nguyên sạch phục vụ con người, phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, giải quyết việc làm cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
11:07, 03/06/2019
00:56, 08/06/2019
16:30, 30/05/2019
14:53, 29/05/2019
05:50, 24/05/2019
Dự án xây dựng theo mô hình công nghệ lò đốt dịch chuyển thuận nghịch Martin của Đức được chuyển giao và sản xuất tại Trung Quốc với diện tích 37.787m2, tổng vốn đầu tư hơn 990 tỷ đồng. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ năm 2014.
Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Cổ phần Môi trường xanh Thái Bình đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Feida Triết Giang và Công ty TNHH Công nghệ môi trường Shenshuo Thượng Hải cùng hợp tác đầu tư thực hiện.
Đại diện nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thiện đưa vào hoạt động trước tháng 6/2019 tuy nhiên đến nay, án đã chậm khoảng 5 năm so với giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Do vậy, dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động từ quý IV/2021.
Hiện tại, công suất Nhà máy xử lý rác thành phố Thái Bình khoảng 200 tấn/ngày, chủ yếu sử dụng phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi chôn lấp 2 ha. Bãi rác của Nhà máy hiện chưa có hệ thống thu gom nước rỉ rác, đáy các ô chôn lấp chưa được lót vải địa kỹ thuật, chưa có giếng thu và xử lý khí bãi rác gây ô nhiễm môi trường khí và nước khu vực. 03 lò đốt được trang bị từ các năm 2003, 2006, 2012 còn nhiều bất cập.
Nhà máy nằm ngay trung tâm thành phố, gây bức xúc cho người dân. Lãnh đạo nhà máy cho biết, nhà máy xử lý rác được đưa vào sử dụng từ năm 2003 tính đến nay đã khai thác và sử dụng là 17 năm.
Hiện nay bãi rác rất cao nhưng không có điểm chôn lấp mùn và các loại rác không đốt được nên việc đóng bãi phủ đất dừng chôn chưa thực hiện được. Lượng rác tập trung về nhà máy hiện nay quá tải, công ty không có khả năng về kinh phí đầu tư công nghệ cao, hiện nay đang sử dụng lò đốt và thiết bị trong nước. Bởi vậy, tỉnh Thái Bình định hướng trong thời gian tới nhà máy xử lý rác công nghệ cao sẽ thay thế nhà máy xử lý rác cũ.
Ông Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh việc đầu tư Dự án nhà máy xử lý rác thải 300 tấn/ngày và phát điện 5MW tại phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Thái Bình đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thành phố.
Về địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy cần có giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh và môi trường trong vùng. Về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, việc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hợp tác góp vốn đầu tư dự án và các vấn đề liên quan khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.