Thái Bình: Thấy gì từ 4 vụ ngừng việc tập thể?

Lan Vũ 08/04/2019 02:03

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thái Bình liên tiếp xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể của hàng nghìn công nhân lao động.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể, cao hơn 3 vụ so với cùng kỳ năm 2018.

Điểm chung của các vụ ngừng việc tập thể này là nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động. Và các vụ ngừng việc tập thể chỉ được giải quyết ổn thỏa khi tổ chức công đoàn vào cuộc.

Ngày 10/1 xảy ra vụ ngừng việc của 15 công nhân Công ty TNHH Sunny Gloves tại thành phố Thái Bình do công ty nợ 5 tháng lương của 15 công nhân với số tiền gần 400 triệu đồng.

Ngày 24/1 xảy ra vụ ngừng việc của 925 công nhân Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam tại thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà).

Các ngành chức năng làm việc với chủ sử dụng lao động và 15 lao động Công ty

Các ngành chức năng làm việc với chủ sử dụng lao động và 15 lao động Công ty TNHH Sunny Gloves.

Ngày 27/2 xảy ra vụ ngừng việc của 155 công nhân Công ty TNHH Điện tử Woolley Việt Nam tại khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) khi doanh nghiệp không tăng tiền thâm niên cho công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tăng giờ làm quá so với quy định trong khi không tăng lương, một số chế độ thai sản đối với NLĐ bị cắt giảm, điều kiện, môi trường làm việc không bảo đảm...

Và mới đây nhất, ngày 11/3, hơn 700 công nhân Công ty TNHH NamDong Việt Nam tại thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) đã ngừng việc tập thể để kiến nghị Cty cải thiện thời gian làm thêm, và có thêm quyền lợi cho họ. Công nhân lao động nêu 4 kiến nghị đối với Cty gồm: Điều chỉnh mức lương cơ bản thêm 100.000 đồng/tháng; điều chỉnh thâm niên cho CNLĐ làm việc từ 2 năm trở lên 100.000 đồng/người/tháng và hằng năm tăng thêm 50.000 đồng/người; điều chỉnh tiền hỗ trợ ăn ca từ 16.000 đồng/bữa lên 18.000 đồng/bữa; điều chỉnh thời gian tăng ca trong tuần: 2 ngày tăng ca đến 20h, 4 ngày tăng ca đến 18h (hiện nay Cty đang thực hiện tăng ca 2 ngày đến 21h, 4 ngày đến 18h30).

Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến 4 vụ ngừng việc tập thể chủ yếu xuất phát từ việc chủ sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật về lao động như: nợ lương, thời gian làm việc tăng so với quy định, điều kiện làm việc chưa bảo đảm, thường xuyên tăng ca, tăng giờ, tăng sản lượng khoán quá quy định khi chưa có sự thỏa thuận với người lao động, tăng định mức lao động để giảm tiền lương, không điều chỉnh lương tối thiểu theo mức lương tối thiểu vùng, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ không đầy đủ như đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...

Sau khi tiếp nhận thông tin về 4 vụ ngừng việc tập thể nói trên, các cấp công đoàn và các ngành chức năng đã xuống gặp gỡ công nhân để nắm bắt, trao đổi với chủ sử dụng lao động về những kiến nghị người lao động đưa ra để tìm biện pháp giải quyết. Đồng thời đề nghị người lao động không đập phá máy móc, bảo vệ tài sản. Sau một thời gian đàm phán, nhiều quy định về quyền lợi của người lao động đã được doanh nghiệp điều chỉnh.

Cụ thể, trường hợp 15 công nhân Công ty TNHH Sunny Gloves bị nợ từ 4 - 5 tháng lương đã được doanh nghiệp trả đầy đủ; 8 kiến nghị của công nhân Công ty TNHH Điện tử Woolley Việt Nam về tăng tháng lương thứ 13, tăng tiền thâm niên, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc... đều được doanh nghiệp chấp thuận.

Có thể thấy, các cuộc đình công trên đều không đúng trình tự pháp luật, công đoàn cơ sở thậm chí không biết khi nào sẽ xảy ra đình công. Điều này chứng minh, công đoàn cơ sở chưa nắm bắt được những mong muốn, suy nghĩ của người lao động để chuyển tải đến chủ doanh nghiệp; chưa thực sự quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động.

Một khi người lao động đã đình công, ngừng việc tập thể, cho thấy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động còn nhiều phức tạp, 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung. Vậy đâu là giải pháp?

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty TNHH Công nghiệp Tactician - Thái Bình: Công nhân phải làm việc trong môi trường độc hại?

    Công ty TNHH Công nghiệp Tactician - Thái Bình: Công nhân phải làm việc trong môi trường độc hại?

    17:03, 05/04/2019

  • Thái Bình: Dự án chậm trễ vì vướng giải phóng mặt bằng

    Thái Bình: Dự án chậm trễ vì vướng giải phóng mặt bằng

    15:30, 04/04/2019

  • Thái Bình: Người dân bị

    Thái Bình: Người dân bị "xù" hàng tỷ đồng đặt cọc gia công tranh đính đá

    14:32, 03/04/2019

Ông Đào Xuân Tuấn - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình) cho biết, hiện nay, cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm nên việc nắm bắt, cập nhật văn bản, kiến thức về pháp luật lao động chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình làm việc với chủ sử dụng lao động và người lao động.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật lao động tại các doanh nghiệp cho người lao động. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của người lao động, thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại định kỳ để giải quyết kịp thời những kiến nghị của người lao động ngay tại cơ sở. Đồng thời, tổ chức rà soát, sửa đổi nội quy, quy chế về thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Thấy gì từ 4 vụ ngừng việc tập thể?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO