Tỉnh Thái Bình mong muốn hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực với các đối tác Bỉ như thúc đẩy trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa có thế mạnh của hai bên.
>>>Thái Bình: Bàn giải pháp triển khai xây dựng Nhà máy nhiệt điện LNG
>>>Thấy gì từ PCI tỉnh Thái Bình năm 2023?
Đó là nội dung được chia sẻ trong Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại Vương quốc Bỉ mới đây.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp Bỉ và Thái Bình đã trao đổi thông tin về tiềm năng và nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác cho các dự án đầu tư, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Bỉ và Việt Nam.
Tỉnh Thái Bình là một trong những tỉnh xuất khẩu nông, thủy sản lớn của Việt Nam với nhiều mặt hàng như gạo, rau, trái cây. Do vậy, tỉnh mong được hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực với các đối tác Bỉ như thúc đẩy trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa có thế mạnh của hai bên; tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, các ngành công nghiệp dịch vụ, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, khí và điện gió, logistics…; thúc đẩy cơ hội hợp tác giáo dục, trao đổi nguồn nhân lực, đào tạo, y tế và văn hóa.
Năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của địa phương này đạt gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 5 toàn quốc về thu hút FDI. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 2,6 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,8 tỷ USD. Những con số trên và xu hướng dòng chảy đầu tư vào tỉnh Thái Bình đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của địa phương này. Đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2025, Thái Bình đã quy hoạch đầu tư 37 dự án chuyên ngành công nghiệp, nông nghiệp - ngư nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều... Đây là những điều kiện thuận lợi để Thái Bình chào đón các nhà đầu tư FDI đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Bỉ.
Theo bà Chrysoline Monnier - đại diện Cơ quan Xúc tiến đầu tư và xuất khẩu Brussels, đơn vị đánh giá cao tiềm năng và định hướng thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh Thái Bình. Đồng thời, cam kết sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp Bỉ có thể hợp tác với các doanh nghiệp Thái Bình cùng nhau phát triển các dự án đầu tư hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại Vương quốc Bỉ mới đây, ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã nêu bật sự đa dạng và tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia trong sáu lĩnh vực quan trọng là cảng biển - logistics, nông nghiệp hiện đại, năng lượng xanh, y tế - dược phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, vào tháng 12/2022, Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới thông qua đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7, Liên minh châu Âu (EU), Đan Mạch và Na Uy. Đây là cơ hội to lớn đối với Thái Bình hợp tác với các đối tác Bỉ trong lĩnh vực năng lượng xanh - một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình, với những nỗ lực tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng và chính sách ưu đãi đầu tư, Thái Bình đang dần khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Thành, hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại Vương quốc Bỉ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Thái Bình và các vùng của Bỉ phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả. Đồng thời, mở ra nhiều hướng hợp tác giữa Thái Bình và Bỉ trong tương lai.
“Từ những lợi thế và khả năng phát triển của Thái Bình trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cùng với các cơ chế ưu đãi và tinh thần cầu thị, sẵn sàng hợp tác, tỉnh Thái Bình cam kết tỉnh luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư FDI nói chung và doanh nghiệp Bỉ hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng phát triển”, ông Thành nhấn mạnh.
Được biết, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững, tỉnh Thái Bình tiếp tục định hướng mời gọi thu hút các dự án có quy mô lớn, giá trị công nghệ cao, bảo đảm môi trường và an sinh xã hội tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh có 10 KCN cùng 49 CCN với tổng diện tích gần 3.000ha đã được GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Trong tương lai, tại khu vực KKT Thái Bình sẽ có tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đi qua. Điều này sẽ mở ra khả năng kết nối liên hoàn với các khu công nghiệp trong vùng ven biển đồng bằng sông Hồng.
Theo đại diện Công ty cổ phần Green i-Park, chủ đầu tư KCN Liên Hà Thái, khi thu hút đầu tư, phía công ty đã chủ trương ưu tiên các dự án thuộc ngành công nghệ cao, công nghiệp lắp ráp điện tử, ứng dụng công nghệ xanh, sạch, không lựa chọn ngành nghề có xu thế không thân thiện với môi trường, khả năng gây ô nhiễm, tiêu hao quá nhiều năng lượng.
Có thể bạn quan tâm