Hiệp hội DN tỉnh đã hát huy vai trò đầu tàu, hội tụ và lan tỏa ý chí khát vọng doanh nhân đất thép với Hội Doanh nhân thành viên ở 9/9 địa phương trên địa bàn tỉnh và 1 số tổ chức trực thuộc.
Với tinh thần “Kết nối doanh nghiệp, đồng hành phát triển”, trong những năm gần đây, các Hiệp hội, hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên không chỉ thực hiện tốt chức năng kết nối cộng đồng doanh nghiệp mà còn đồng hành cùng các cấp chính quyền trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Cuối tháng 7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, thực chất, hiệu quả; có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2022, cuộc đối thoại lần đầu phải thực hiện xong trước ngày 30-8.
Trên thực tế từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiên phong là hai địa phương có sức đóng góp lớn cho chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh với nhiều doanh nghiệp FDI đứng chân là TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên. Tiếp đến là Cục thuế tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, Sở Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, huyện Định Hoá… cũng đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Kết quả, đã có gần 30 hội nghị đối thoại được tổ chức trong thời gian 39 ngày với gần 4.200 lượt doanh nghiệp tham dự. Cộng đồng doanh nghiệp đưa ra 1.265 câu hỏi, chất vấn, giải đáp, đề nghị. 100% đã nhận được câu trả lời, phúc đáp từ các sở, ngành, địa phương bằng cả trực tiếp và văn bản. Những con số ấn tượng đó khẳng định một điều quan trọng: Cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân thực sự là đối tác phát triển hàng đầu, quan trọng nhất trong quá trình kiến tạo kinh tế – xã hội của địa phương. Qua đó, thúc đẩy cải cách, hiện thực hoá cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã tham gia tích cực vào các hoạt động phản biện chính sách, đóng góp ý kiến vào các dự thảo như: Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định bãi bỏ Quyết định 04/2017/QĐ-UBND ngày 15/02/2017 của UBND tỉnh; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các Hiệp hội như: Hội Nữ doanh nhân, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội doanh nghiệp Vận tải ô tô, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội doanh nghiệp Vừa và Nhỏ, Hiệp hội Doanh nhân CCB… đều tăng cường hoạt động hỗ trợ, kết nối hội viên trên tinh thần sáng tạo, linh hoạt để vượt qua giai đoạn khó khăn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động. Trọng tâm là các hoạt động kết nối giao thương.
Chẳng hạn như: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư -Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiếp và làm việc với công ty cổ phần Dasan (Hàn Quốc) hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Thái Nguyên; Hiệp hội Du lịch tuyên truyền, vận động đến cộng đồng doanh nghiệp, hội viên, nhân dân hưởng ứng Chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam nhằm khôi phục thị trường du lịch trong nước; Hội nữ doanh nhân vận động các doanh nghiệp hội viên tham gia gian hàng tại Hội chợ triển lãm mỗi xã phường một sản phẩm – Thái Nguyên 2022 do sở Công thương tổ chức…
Không chỉ hỗ trợ các hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, sản phẩm, chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hiệp hội đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội. Trong dịp tết Nguyên đán 2022, các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội, Hội luôn bảo đảm chế độ cho người lao động, bình quân thưởng tết là 01 tháng lương, có doanh nghiệp mức thưởng bình quân đạt 3-4 tháng lương/người. Tham gia tích cực các chương trình do tỉnh phát động như: tuần cao điểm tết vì người nghèo với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hai năm 2020-2021 như chiếc lò xo nén lại, kinh tế Thái Nguyên đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ sau Đại dịch. Qua 8 tháng năm 2022, thu ngân sách đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 17,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 11%, giá trị xuất khẩu tăng 18,2% so với cùng kỳ. Với nhiều tác động từ kinh tế thế giới, nhưng điều tiết vĩ mô ổn định, đảm bảo những cân đối lớn, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,79%. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 67% trong tổng số vốn 5.840 tỷ đồng năm 2022. Có thêm 5 dự án FDI cấp mới, nâng tổng số dự án lên con số 172, với tổng mức đầu tư 10,3 tỷ USD. Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã hát huy vai trò đầu tàu, hội tụ và lan tỏa ý chí khát vọng doanh nhân đất thép với Hội Doanh nhân thành viên ở 9/9 địa phương trên địa bàn tỉnh và 1 số tổ chức trực thuộc.
Với 7 hiệp hội, hội, cộng đồng doanh nghiệp- doanh nhân Thái Nguyên luôn đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng và mái nhà chung của gần 8.800 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng. Trong đó, quy mô kết nối giao thương nội bộ đã đạt con số hàng ngàn tỷ đồng/ năm, đồng thời lan tỏa tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, là lực lượng đóng góp nhiều nhất cho các chương trình an sinh xã hội, cũng như môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên.
Đại diện Khối thi đua các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh cho biết: Với các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hiệp hội sẽ nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò của trên “mặt trận” kinh tế như: Tổ chức các hoạt động hướng tới ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Phối hợp tổ chức “Ngày hội cộng đồng doanh nhân”; Tổng kết công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương, khen thưởng khích lệ các doanh nghiệp thành viên; đồng thời tìm kiếm những nhân tố điển hình tiên tiến trên tất cả mọi mặt bình chọn giới thiệu UBND tỉnh tôn vinh các giải thưởng "Bông hồng vàng", "Doanh nhân đất Việt" "Doanh nghiệp xuất sắc, doanh nhân tiêu biểu"...
Bên cạnh đó, các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các doanh nghiệp thành viên thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, và bảo đảm quyền lợi của người lao động, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chung của tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội năm 2022. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, chia sẻ kinh nghiệm; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thông qua chương trình trà- cà phê doanh nhân. Phối hợp mở các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo.... theo nhu cầu đăng ký của cộng đồng doanh nghiệp. Vận động các doanh nghiệp trong Khối tham gia vào các chương trình phát động của tỉnh và địa phương.
“Trong giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng trở lên... Với sự đồng hành, nỗ lực của các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp nói chung chắc chắn mục tiêu trên sẽ sớm thành hiện thực.”- ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên tin tưởng.
Có thể bạn quan tâm