Việc giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Thái Nguyên xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, được ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Với quan điểm: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là tiền đề cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Sở Tài Chính Thái Nguyên, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã dành 22.283,648 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các dự án quan trọng của tỉnh, các dự án có tính liên kết vùng, kết nối với vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, có tổng mức đầu tư: 4.204 tỷ đồng; Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư: 2.250 tỷ đồng; Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng đại lộ Đông Tây khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt Sông Cầu), có tổng mức đầu tư 952 tỷ đồng,…
Trong giai đoạn 2021-2023, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Thái Nguyên là một trong các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm ở mức cao toàn quốc, số vốn giải ngân qua các năm có sự tăng trưởng, số giải ngân vốn đầu tư công năm sau cao hơn năm trước. Năm 2024 (9 tháng đầu năm): giải ngân: 3.036.859/ 5.612.041 triệu đồng đạt 54,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Các dự án đầu tư công được triển khai đồng bộ, kịp thời, sớm hoàn thành đã phát huy hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị giúp kết nối giao thông giữa Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, giúp giảm chi phí vận tải, chi phí Logictis, tăng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Nguyên.
Qua đó thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư như: Tập đoàn Samsung, Sunny Opotech, DBG với nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách, FDI, dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn như: Dự án sản xuất lưới bóng chip bán dẫn của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam năm 2022 (điều chỉnh tăng vốn thêm gần 1,2 tỷ USD); Dự án sản xuất thanh silic và tấm silic đơn tinh thể của Công ty TNHH Trina Solar Wafer năm 2022 (số vốn đăng ký là 275 triệu USD); dự án công ty TNHH Trina Solar Cell sản xuất thanh silic và pin năng lượng mặt trời (số vốn đăng ký 454 triệu USD); KCN Sông Công II giai đoạn 2, CCN Tân Phú 1, Tân Phú 2, Lương Sơn, Hạnh Phúc - Xuân Phương... tạo điều kiện rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tạo nguồn thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tạo việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Từ kết quả của việc giải ngân vốn đầu tư công nêu trên, kinh tế- xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, kết quả đáng tự hào: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021-2023 của tỉnh đạt: 6,65%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 đạt 20.177 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 112,6 triệu đồng/người/năm, tăng 26,9% so với năm 2020, cao hơn mức bình quân chung cả nước; đẩy nhanh tỷ lệ các xã về đích nông thôn mới (118/126, đạt tỷ lệ 93,65%).
Với phương châm: “Triển khai tốt, giải ngân nhanh, điều hành linh hoạt”, hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản, chỉ thị trong chỉ đạo điều hành ngân sách nhà nước, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, các Sở, ban ngành, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và địa phương đã luôn chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đảm bảo hiệu quả, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện chỉ đạo của Chỉnh phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài chính đã chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý ngân sách, cân đối thu chi ngân sách, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, hỗ trợ các địa phương về đích nông thôn mới; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm; hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, quyết toán dự án hoàn thành, bàn giao, tiếp nhận tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Định kỳ hàng tháng, quý năm, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên và các cơ quan có liên quan tổng hợp tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, báo cáo các nguyên nhân còn vướng mắc, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; tổ chức họp liên sở giữa các cơ quan để tháo gỡ các vướng mắc và kịp thời báo cáo UBND tỉnh trong quá trình thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn.
Ngay từ đầu giai đoạn 2021 – 2025, nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 13/4/2021 trong đó đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu thu ngân sách đã đề ra.
Hiện tại, Sở Tài chính đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết 13 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Quản lý công sản, Quản lý giá - doanh nghiệp, Tin học thống kê. 100% thủ tục được cung cấp dịch vụ công mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cũng như chi phí cho các tổ chức, cá nhân.
Minh bạch trong quản lý tài chính công
Trong bối cảnh cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), công khai ngân sách địa phương và ngân sách cấp tỉnh đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất. Việc minh bạch thông tin tài chính không chỉ giúp tăng cường niềm tin của doanh nghiệp và người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tham nhũng và lãng phí trong quản lý tài chính công.
Thời gian qua, việc công khai ngân sách tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các thông tin về dự toán, quyết toán và tình hình thực hiện dự toán ngân sách các quý trong năm đã được đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của sở Tài chính, cho phép người dân và doanh nghiệp dễ dàng truy cập và tra cứu.
Hằng năm, với chức năng nhiệm vụ về tài chính – ngân sách Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị về điều hành ngân sách, tổ chức xây dựng và thực hiện dự toán các năm, trong đó nội dung công khai ngân sách luôn là một trong những nội dung không thể thiếu. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ban ngành cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, chấm điểm và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công khai ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
Nhờ vào các biện pháp kiểm tra và hướng dẫn kịp thời, việc công khai ngân sách tại tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Người dân và doanh nghiệp đánh giá cao sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý tài chính công, từ đó tăng cường niềm tin và sự ủng hộ đối với chính quyền địa phương.
Việc công khai ngân sách không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cam kết của tỉnh Thái Nguyên trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao chỉ số PCI, khẳng định vị thế của Thái Nguyên trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
Để nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh PGI, Sở Tài chính Thái Nguyên vừa ban hành văn bản về tăng cường mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là một trong những nội dung quan trọng của chỉ số thúc đẩy thực hành xanh. Tất cả đang hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố của cả nước về Chỉ số PGI.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Lương chia sẻ: “Phòng Tài chính đã thực hiện tốt các nhiệm vụ xử lý giải quyết thủ tục hồ sơ trên hệ thống phần mềm một cửa của huyện Phú Lương đảm bảo thời gian kịp thời, nhanh chóng, chính xác, và ứng dựng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng ở mức độ 3, mức độ 4.
Về quản lý văn bản, chúng tôi đã thực hiện trên hệ thống quản lý văn bản của huyện, đối với Sở Tài chính chúng tôi đã triển khai và thực hiện tốt các ứng dụng phần mềm quản lý ngân sách, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin do Sở Tài chính triển khai. Và chúng tôi đã triển khai đến các đơn vị dự toán, các xã, thị trấn, cũng như là các đơn vị trường học. Một số phần mềm đang ứng dụng và sử dụng rất tốt là phần mềm quản lý ngân sách và hệ thống thông tin quản lý giữa ngân sách và kho bạc (TABMIS), cũng như triển khai phần mềm kế toán đến khối các đơn vị trường học; phần mềm kế toán xã của khối các xã, thị trấn và phần mềm quản lý công sản. Tất cả đã giúp các cán bộ chuyên môn tổng hợp, báo cáo số liệu kịp thời, chính xác và giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý ngân sách trên địa bàn huyện Phú Lương”. Ông Thủy cho biết.
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài chính- ngân sách là góp phần quan trọng trong xây dựng bộ máy chính quyền theo hướng chuyên nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ. Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo