Kinh tế địa phương

Thái Nguyên: Đồng bộ hạ tầng giao thông thúc đẩy thu hút đầu tư

Duy Phường - Kim Dung 11/10/2024 12:51

Khi hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ mở ra không gian, cơ hội phát triển mới, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh Thái Nguyên.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định rõ mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Để đạt được các mục tiêu này thì giao thông phải “đi trước một bước”, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội phải đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng cho các hoạt động thu hút đầu tư.

9 - Copy
Đơn vị thi công (Tổng công ty 319 BQP) đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trước khi đưa vào thông tuyến, khai thác đường liên kết vùng Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc. Ảnh: Vũ Phường

Giao thông tạo “cú huých” cho phát triển

Thái Nguyên được đánh giá là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại với 3 loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên Phạm Quang Anh, xác định hệ thống giao thông có vai trò “đi trước một bước” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Thái Nguyên đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư.

Toàn tỉnh hiện có 11.506 km đường bộ; trong đó có 8 tuyến Quốc lộ tổng chiều dài 328 km; 21 tuyến đường tỉnh dài 384 km; 159km đường đô thị; 742 km đường huyện; 3.232km đường xã; trên 6.600 km đường dân sinh cấp thấp khác. Trong giai đoạn 2021-2025, ngành giao thông vận tải tiếp tục triển khai và phấn đấu hoàn thành 21 dự án. Giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng thêm khoảng 160,64km.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, ngành Giao thông xác định rõ phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tỉnh đã và đang tập trung đầu tư và triển khai một số dự án quan trọng, tạo liên kết vùng, động lực phát triển khu vực trung du miền núi phía Bắc, vùng thủ đô Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; từ đó nâng cao khả năng tiếp cận, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

_mgl2609.jpg
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên Phạm Quang Anh. Ảnh: Vũ Phường

Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (gọi tắt là Dự án tuyến đường liên kết vùng) và Dự án đường Vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) là 2 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Với quyết tâm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thi công “3 ca 4 kíp” xuyên ngày, xuyên đêm, cùng tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang dồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng này.

Theo Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng (đơn vị thi công tuyến đường liên kết vùng), từ đầu năm 2024 đến giờ, thời tiết không thuận lợi gây khó khăn rất lớn trong việc triển khai thi công, do công tác thi công chủ yếu là đào đắp, công trường trải dài, chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết. Mặt bằng đến nay đã cơ bản hoàn thiện, người dân đồng thuận cao, chúng tôi cũng được chính quyền hỗ trợ hết mức trong công tác giải phóng mặt bằng, san lấp và thi công. Dù gặp trở ngại nhưng với mục đích hoàn thành dự án theo kế hoạch, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức không kể nắng mưa, đêm ngày. Hiện tại, các mũi thi công đều sẵn sàng máy móc làm việc, đảm bảo tối đa tiến độ đã đề ra.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, hai tuyến đường khi hoàn thành không chỉ giúp tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng liên kết, đồng bộ, mà còn mở ra những tiềm năng, cơ hội phát triển mới; hình thành trục kết nối giao thông của 3 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc với vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, qua đó thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực, nâng cao năng lực kết nối giao thông, củng cố, tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao du lịch. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, hiện rõ tính chất kết nối liên thông, tổng thể và liền mạch, mở ra không gian phát triển mới, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Hỗ trợ doanh nghiệp vận tải cạnh tranh bình đẳng

Theo thống kê, hiện Thái Nguyên có 527 phương tiện vận tải khách theo tuyến cố định ký hợp đồng đón trả khách với 06 bến xe khách trên địa bàn, khai thác trên trên 195 tuyến liên tỉnh đến 34 tỉnh thành trên toàn quốc và 03 tuyến nội tỉnh. Trong đó, tỉnh có 17 đơn vị vận tải khách với 287 phương tiện, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân.

Một trong những tín hiệu tích cực của vận tải hành khách theo tuyến cố định là Bến xe khách Trung tâm TP. Thái Nguyên đã phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan – doanh nghiệp có thương hiệu tốt, nhiều kinh nghiệm kinh doanh vận tải khách, luôn quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách, đưa xe Buslines vào hoạt động trên tuyến Thái Nguyên - Mỹ Đình, Thái Nguyên - Gia Lâm.

Bến xe TN
Bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân. Ảnh: Vũ Phường

Bên cạnh đó, 21 đơn vị đang hoạt động kinh doanh vận tải taxi với 1942 đầu xe, 35% trong số đó sử dụng ô tô điện đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị. Các đơn vị vận tải taxi trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành xe taxi, vừa giảm chi phí nhân sự vừa điều hành xe hiệu hơn, phục vụ hành khách ngày một tốt hơn.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt trên địa bàn đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các phương án cải tiến kỹ thuật để thay đổi phương thức quản lý như: Ứng dụng phần mềm vé điện tử, lệnh vận chuyển điện tử vừa giảm chi phí vận hành, vừa giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn hoạt động của từng phương tiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết, thời gian qua hạ tầng giao thông của tỉnh phát triển mạnh mẽ đã tạo nền tảng rất tốt để doanh nghiệp vận tải trong tỉnh cùng phát triển. Lãnh đạo Sở GTVT luôn quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh phát triển, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Điển hình trong đó, lãnh đạo thường xuyên tham gia các hội nghị sơ kết, tổng kết của Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Thái Nguyên, cam kết hỗ trợ pháp lý tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Ông Phạm Đăng Thiện, Giám đốc công ty CP vận tải Thái Nguyên thì cho rằng, trước sự phát triển kinh tế nhanh chóng của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây, đã xuất hiện một số “điểm nóng” giao thông, gây tắc đường giờ cao điểm. Do đó, ông Thiện mong muốn rằng Nhà nước cần có các giải pháp khuyến khích vận tải hành khách công cộng để giảm tải phương tiện cá nhân. Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ kỳ vọng sẽ “hóa giải” được nhiều vấn đề còn tồn đọng trước đây, đặc biệt trong việc quản lý các phương tiện vận tải mới, chưa được “đặt tên” (như: xe ghép, xe tiện chuyến…).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Nguyên: Đồng bộ hạ tầng giao thông thúc đẩy thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO