Chính trị - Xã hội

Tham nhũng trở thành mối quan ngại hàng đầu trong khảo sát PAPI 2024

Vũ Phường - Kim Dung 15/04/2025 11:54

PAPI vừa là một công cụ cung cấp bằng chứng phục vụ công tác hoạch định chính sách, vừa là nền tảng để công dân và chính quyền địa phương đối thoại nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.

Ngày 15/4/2025, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp cùng các đối tác trong nước đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024. Đây là sự kiện thường niên quan trọng, cung cấp những dữ liệu có giá trị thực tiễn sâu sắc để hỗ trợ cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước.

Năm nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xếp ở nhóm các tỉnh đạt điểm số cao nhất và đứng vị trí dẫn đầu toàn quốc với điểm tổng hợp đạt 47,82 điểm. Xếp thứ 2 và thứ 3 là Tây Ninh và Bình Thuận, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 4, Ninh Thuận xếp thứ 5 toàn quốc. Nhóm cuối có các tỉnh Cần Thơ, Kon Tum, Kiên Giang...

papi 1
Toàn cảnh lễ công bố Chỉ số PAPI 2024 sáng 15/4/2025 tại Hà Nội (Ảnh: Phương Thảo)

PAPI – Công cụ đo lường lòng dân và hiệu quả công quyền

Chỉ số PAPI được xây dựng từ năm 2009, là kết quả hợp tác giữa UNDP và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong nước. PAPI đo lường kinh nghiệm và cảm nhận của người dân về chất lượng quản trị và cung ứng dịch vụ công tại cấp cơ sở thông qua khảo sát quy mô lớn trên toàn quốc. Báo cáo năm 2024 ghi nhận phản hồi từ 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên, thể hiện tiếng nói chân thực, trực tiếp từ cơ sở.

PAPI năm nay tiếp tục đo lường 8 trụ cột quan trọng: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; và (8) Quản trị điện tử. Mỗi trụ cột phản ánh một khía cạnh then chốt trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, từ đó giúp các cấp chính quyền nắm bắt kỳ vọng xã hội và chủ động cải thiện chất lượng điều hành.

Phát biểu tại lễ công bố, PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Kết quả điều tra của PAPI là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng dịch vụ công, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của mình”. Theo ông Ý, PAPI không chỉ là công cụ phản ánh lòng dân, mà còn là chiếc gương phản chiếu năng lực điều hành và phẩm chất liêm chính của bộ máy hành chính nhà nước ở cấp địa phương.

Vượt qua nhiều địa phương có nền hành chính phát triển, tỉnh Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PAPI năm 2024. Đây không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà là thành quả của một quá trình dài xây dựng mô hình chính quyền “phục vụ, liêm chính, hiệu quả”. Với quan điểm “lấy người dân làm trung tâm”, Quảng Ninh đã liên tục đổi mới về cơ chế, tổ chức và cách thức vận hành bộ máy hành chính. Các trung tâm phục vụ hành chính công được tổ chức đồng bộ từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã, với mô hình “một cửa hiện đại” giúp giảm thời gian, chi phí và phiền hà cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Quảng Ninh còn triển khai hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử và đô thị thông minh, góp phần minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy đối thoại chính quyền – công dân, và kiểm soát tham nhũng. Kết quả là các chỉ số thành phần như công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị điện tử của tỉnh đều đạt điểm số rất cao, khẳng định niềm tin xã hội vào năng lực và uy tín của bộ máy địa phương.

Bảng xếp hạng
Bảng xếp hạng 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số PAPI năm 2024 (Nguồn ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tham nhũng – Vấn đề nổi cộm cần ưu tiên giải quyết

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý từ báo cáo PAPI 2024 là mức độ quan tâm ngày càng lớn của người dân đối với vấn đề tham nhũng. Cụ thể, 22,58% người được khảo sát cho rằng “tham nhũng” là mối quan ngại lớn nhất mà Nhà nước cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới – tăng gần 17% so với năm 2023. Điều này phản ánh sự tỉnh táo và tinh thần trách nhiệm công dân ngày càng cao của xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, theo báo cáo, phản hồi của người dân về các nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở địa phương lại chưa đồng thuận với mức độ quan ngại này. Điều đó cho thấy một khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế và đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực công, không chỉ ở cấp trung ương mà đặc biệt là tại cấp cơ sở, nơi gần dân nhất và có tác động trực tiếp nhất tới đời sống hàng ngày của người dân.

Theo bà Renée Deschamps – Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam: “Australia đánh giá cao những nỗ lực của UNDP và các đối tác trong nước trong việc xây dựng và phát triển Chỉ số PAPI. PAPI vừa là một công cụ cung cấp bằng chứng phục vụ công tác hoạch định chính sách, vừa là nền tảng để công dân và chính quyền địa phương đối thoại nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương”.

Đây không chỉ là sự ghi nhận đối với vai trò của PAPI trong hệ thống quản trị quốc gia, mà còn là một thông điệp gửi đến các nhà hoạch định chính sách: cần phải lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, dựa trên bằng chứng cụ thể và dữ liệu khách quan, thay vì chỉ dựa vào báo cáo hành chính đơn thuần. PAPI tạo điều kiện để chính quyền “thấy mình qua mắt dân”, từ đó tự điều chỉnh hành động một cách thực chất hơn.

Nhìn rộng hơn, Chỉ số PAPI không chỉ đo lường những khía cạnh kỹ thuật của hành chính công, mà còn phản ánh trạng thái “sức khỏe” của nền dân chủ cơ sở, sự vận hành hiệu quả của nhà nước pháp quyền và năng lực thích ứng của bộ máy trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu.

Việc Quảng Ninh dẫn đầu PAPI 2024 là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho các địa phương khác, đó là cải cách hành chính không chỉ là khẩu hiệu, mà cần được thể hiện qua hành động cụ thể, đo đếm được và phải bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của người dân. Đồng thời, những tín hiệu về sự gia tăng lo ngại tham nhũng cũng là lời cảnh tỉnh cho toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn, giải pháp minh bạch hơn và cơ chế giám sát hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tham nhũng trở thành mối quan ngại hàng đầu trong khảo sát PAPI 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO