Tham vọng của “ông lớn” Thái Lan khi mua Nhựa Duy Tân

NGUYỄN VIỆT 20/02/2021 11:01

Tập đoàn Thái Lan SCG công bố đã ký kết thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Như vậy, Nhựa Duy Tân sẽ trở thành công ty con của SCG.

Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần. Thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (334 triệu USD), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa.

Nhựa Duy Tân sẽ trở thành công ty con của SCG.

Nhựa Duy Tân sẽ trở thành công ty con của SCG.

Giám đốc điều hành SCGP Wichan Jitpukdee cho biết, công ty này đã và đang không ngừng gia tăng đầu tư vào Việt Nam và điều này mang lại mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% mỗi năm.

Thương vụ nằm trong kế hoạch 10 tỷ baht

SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính, gồm xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals), và bao bì (SCG Packaging).

SCG Group nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992. Khởi đầu, SCG Group tập trung vào mảng vật liệu xây dựng - xi măng, nhưng chủ yếu là thương mại.

Tuy nhiên, càng về sau, quy mô hoạt động của tập đoàn này càng mở rộng thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành.Tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD.

Cuối tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD. Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.

Trong khi đó, thông qua một công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, SCG đã lần lượt tiến hành mua 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Vào năm 2015, SCG tiếp tục mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD). Với việc thâu tóm Batico, SCG đang sở hữu bốn nhà mày sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp, trong đó có hai nhà máy tại Việt Nam.

Batico thuộc top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì với công suất 230 triệu m2/năm. Nhà máy của Batico đặt tại tỉnh Long An, trong khi khách hàng của Batico gồm cả khách trong nước và quốc tế.

Năm 2020, SCG đã đầu tư vào Bao bì Biên Hòa (SOVI) để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam. TCG Solutions Pte. Ltd (Singapore), công ty con của Tập SCG, chính thức nhận chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phiếu SVI, tương đương 94,11% vốn của Bao bì Biên Hòa.

SOVI là doanh nghiệp sản xuất bao bì lâu đời, được thành lập năm 1968. Năm 2020, SOVI đạt doanh thu thuần 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 146 tỷ đồng.

Ngoài ra, SCG cũng vừa mua lại Công ty TNHH Go-Pak (Go-Pak), một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thực phẩm hàng đầu tại Anh, châu Âu và Bắc Mỹ, với các cơ sở sản xuất tại miền Nam Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ mở rộng tiềm năng của tập đoàn trong lĩnh vực kinh doanh bao bì thực phẩm.

Dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn tại dự án này.

SCGP giúp Nhựa Duy Tân mở rộng thị trường

Trong năm 2020, lợi nhuận của SCG đạt 1,09 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong năm ngoái, doanh thu từ các sản phẩm giá trị gia tăng cao của SCG đạt 4,03 triệu USD, cải thiện so với quý trước và chiếm 32% tổng doanh số bán hàng.

Bên cạnh đó, doanh thu của SCG từ các đơn vị kinh doanh khác ngoài Thái Lan, cùng với doanh thu xuất khẩu từ Thái Lan đạt 5,39 triệu USD, chiếm 42% tổng doanh thu bán hàng, cao hơn con số 41% của năm trước.

Chia sẻ về thương vụ này, ông Lê Anh, Phó Tổng Giám đốc Nhựa Duy Tân cho biết, việc SCGP đầu tư 70% vốn sẽ giúp Nhựa Duy Tân mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư vào các phân khúc cao cấp hơn chứ không phải thương vụ "mua đứt bán đoạn".

Nhựa Duy Tân được thành lập năm 1987, là một trong những doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong ngành sản xuất bao bì cứng. Nhà sáng lập công ty là ông Trần Duy Hy, hiện giữ chức chủ tịch HĐQT.

Công ty cũng sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng bằng nhựa mang thương hiệu “Duy Tân” với công suất 116.000 tấn/năm với 16.000 điểm bán.

Trước khi thỏa thuận hợp tác được công bố đầu tháng 2, Nhựa Duy Tân đã tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1.700 tỷ đồng vào tháng 11/2020.

Về tình hình kinh doanh, năm 2016 và 2017, Công ty TNHH Nhựa Duy Tân ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 1.927 tỷ đồng và 25,1 tỷ đồng, báo lãi thuần ở mức 15,1 tỷ đồng và 7,3 tỷ đồng.

Trong năm 2019, doanh thu thuần của Công ty TNHH Nhựa Duy Tân đạt 24,9 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 488,6 tỷ đồng. Trước đó, năm 2018, 2 chỉ tiêu này lần lượt là 25,7 tỷ đồng và 9,2 tỷ đồng.

Hết năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu thuần 4.700 tỷ đồng, tăng trưởng gần 5% so với năm 2019, quy mô tổng tài sản 5.000 tỷ đồng.

Phần lớn doanh thu của Duy Tân đến từ thị trường trong nước. Số lượng sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ và các nước của công ty chiếm tỷ trọng 20%.

Có thể bạn quan tâm

  • HSBC tài trợ tín dụng xanh cho nhà máy tái chế nhựa Duy Tân

    HSBC tài trợ tín dụng xanh cho nhà máy tái chế nhựa Duy Tân

    15:18, 08/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tham vọng của “ông lớn” Thái Lan khi mua Nhựa Duy Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO