Công ty Cổ phần VNG vừa công bố đầu tư 22,5 triệu USD (tương đương 510 tỷ VNĐ) vào Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam.
Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung. Tại vòng gọi vốn Pre-Series B của Telio, VNG đã chính thức rót vốn 22,5 triệu USD, tương đương 510 tỉ đồng.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.
Đồng thời, giải pháp thanh toán qua ví điện tử ZaloPay sẽ được triển khai tại các cửa hàng bán lẻ. Từ đó, VNG cùng với Telio sẽ mang đến cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính và tín dụng, hỗ trợ mở rộng kinh doanh.
Với hơn 60 triệu người dùng hàng tháng, Zalo là ứng dụng được đông đảo người Việt Nam sử dụng với tiềm năng thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt qua giải pháp Zalo Official Account (OA) và Zalo Mini App.
Tháng 10/2020, Telio đã trở thành nền tảng B2B đầu tiên và duy nhất ra mắt gian hàng trên Zalo, thúc đẩy việc bán hàng số không tiếp xúc với khả năng phủ sóng khắp mọi miền tổ quốc.
Việc kết hợp với VNG cũng mang đến giải pháp thanh toán qua ví điện tử ZaloPay cho các cửa hàng bán lẻ trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Telio sẽ mang đến cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính và tín dụng, khi các đối tượng này có nhiều hạn chế về vốn và cần được hỗ trợ để mở rộng kinh doanh.
Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn với gần 100 triệu dân và Telio đang cải thiện chuỗi cung ứng cho các nhà bán lẻ nhỏ. Telio cũng giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi việc kinh doanh theo thời gian, bao gồm nâng cao năng lực cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng và thậm chí sau này có thể cung cấp thêm các dịch vụ tài chính.
Telio đang mở rộng mạnh mẽ hoạt động kinh doanh của mình với sự hiện diện ở 26 tỉnh, thành trên cả nước. Telio kỳ vọng khoản đầu tư này sẽ bổ sung sức mạnh cùng năng lực phục vụ cho công ty trong chiến lược vươn mình tới 30 tỉnh thành và phục vụ hơn 60.000 đại lý bán lẻ trong năm 2021, tiến tới có mặt tại 45 tỉnh thành của Việt Nam, với 150.000 đại lý vào cuối năm 2022. Với quy mô như hiện tại, Telio đã vươn lên đứng số 1 trên thị trường B2B tại Việt Nam.
Thương mại điện tử đang làm thay đổi xu thế phát triển của thị trường B2B, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 được dự báo là đạt 29%, với quy mô thị trường lên tới hơn 52 tỷ USD và quy mô thị trường bán lẻ (tính trên các thị trường mà Telio đang hoạt động: Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Đồ Gia dụng, Y tế và Thời trang) đạt 50 tỷ USD. Ngoài các hỗ trợ giúp Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như độ phủ, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa việc đặt hàng và theo dõi đơn hàng.
Vòng gọi vốn này cũng có sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại là Quỹ đầu tư toàn cầu GGV Capital và Quỹ đầu tư Tiger Global. Khoản đầu tư này đánh dấu mối quan hệ hợp tác chiến lược nhằm mang tới các dịch vụ toàn diện hơn cho các đối tác và đại lý của Telio trên toàn quốc. Sau khi kết thúc vòng gọi vốn với VNG, GGV Capital và Tiger Global, Telio cũng đang triển khai các vòng gọi vốn tiếp theo.
Về phía VNG, trước Telio, VNG cũng đã đầu tư vào 2 start-up khác là EcoTruck (thuộc lĩnh vực Logistic) và Got It (nền tảng quà tặng trực tuyến) với giá trị lần lượt là 3,7 triệu USD và 6 triệu USD. Việc rót vốn vào Telio sẽ giúp VNGcủng số sức mạnh của mình và đi đúng định hướng việc tìm kiếm các công ty khởi nghiệp trong nước để đầu tư và đồng hành lâu dài nằm trong chiến lược của VNG từ giữa năm 2020.
Có thể bạn quan tâm