Đỉnh điểm oan trái trong cuộc đời “Vua lốp”là năm 1983, khi chỉ thị Z30 tịch thu tài sản "bất minh" khiến ông mất tất cả, gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất, còn bản thân trở thành người bị tầm nã…
Như bạn đọc đã biết, cuộc đời của “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn là một bi kịch lớn. Ông chỉ mất tổng cộng chừng chục năm trời từ hai bàn tay trắng trở thành người có tài sản được coi là kếch xù vào thời điểm đó, nhưng lại mất gấp đôi thời gian ấy để kêu oan.
Còn nhớ những chia sẻ của cố nhà báo Trường Phước, Đài Truyền hình Việt Nam mà nhiều tờ báo sau này đã dẫn lại, ông coi những doanh nhân như "Vua lốp" là những anh hùng thời đổi mới: "Nếu nói trong "chiến dịch" đánh đổ những tư nhân làm giàu như ông Chẩn - Hà Nội có sai lầm thì trong đó có cả những sai lầm của những nhà báo lên tiếng cổ vũ cho chiến dịch này như tôi. Bằng công cụ truyền hình, bằng các buổi bình luận, nhưng trước hết bằng lòng nhiệt tình trong sáng nhưng nhầm lẫn của mình, tôi đã làm "đau" ông Chẩn".
Có thể nói, ẩn trong con người Nguyễn Văn Chẩn là khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời của cả một thế hệ. Và khát vọng ấy mãnh liệt chẳng kém gì khát vọng độc lập tự do trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ sau đổi mới, khát vọng ấy đã được thừa nhận và khuyến khích.
Quay trở lại nội dung trong bài viết ở những kỳ trước về bước thăng trầm trong cuộc đời “Vua lốp” khi liên tục vướng vòng lao lý bởi giấc mơ làm giàu của người đi trước thời cuộc như chúng tôi đã thông tin…
Những năm 1980, tiếng tăm "vua lốp" loan truyền khắp miền Bắc. Đa phần người chạy xe thồ đều sử dụng lốp xe Quyết Thắng do cơ sở của ông sản xuất. Loại lốp này sử dụng mành lốp ôtô (do ông Chẩn phát hiện từ ngày mới ra Hà Nội làm dép lốp) kết hợp với loại nhựa vá cũng do ông pha chế. Mở rộng sản xuất, gia đình mua lại toàn bộ bãi rác của nhà máy cao su Sao Vàng, bao gồm lốp và cao su phế liệu. Bãi nguyên liệu của gia đình ông luôn có tới hàng trăm tấn.
Chẳng ngờ chỉ được một thời gian ngắn thì tai hoạ ập xuống. "Vua lốp" bị kết tội "Dùng cao su chính phẩm do Nhà nước quản lý để sản xuất lốp, chứ không phải phế liệu". Theo đó, ngày 8/7/1983, cơ quan chức năng kê biên tài sản của gia đình “Vua lốp”, ngày 25/7 khởi tố vụ án và 2 ngày sau đó bị xử lý hành chính đặc biệt: Tịch thu toàn bộ nhà cửa, tài sản, công cụ, nguyên vật liệu sản xuất. Đau đớn nhất, thời điểm này, lệnh truy nã toàn quốc “Vua lốp” cũng lập tức được ban bố rộng rãi.
Nhưng ông Chẩn không bị bắt như nhiều người đã tưởng vì trước đó ông đã đi trốn. Thời gian ấy, để thăm được ông, người nhà phải đi hết đường bộ lại đến đường thuỷ, đổi hết loại phương tiện này tới phương tiện khác, xuyên làng vượt thôn, chỉ dám đi qua những con đường mòn, hoang vắng ít người qua lại để tránh sự nhòm ngó theo dõi. Đó là khoảng thời gian rất cơ cực, “Vua lốp” nổi tiếng Hà Thành vừa phải trốn vừa làm đơn kêu oan gửi đi khắp nơi, bất cứ chỗ nào có thể. Cuộc hành trình đi tìm công lý gian khổ và vất vả không thể nói thành lời.
Không thể kể hết bao nhiêu lá đơn ông viết, bao nhiêu lần gửi đơn đến cơ quan công quyền.Cuối cùng, sự đấu tranh cũng đem lại kết quả khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nhà cửa cho "Vua lốp". Tưởng như công lý đã đến sau một hành trình đằng đẵng gian nan. Nhưng không, phía Công an lại ra quyết định “miễn tố”.
Như thế, "miễn tố” là có tội, nhưng ông Chẩn có tội gì?. Ông tiếp tục kiện, lại thêm những đơn từ kiện lên, kiện xuống. Ngày 21/12/1985, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội, quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận ông vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản cho gia đình ông. Đây có thể nói là một "thắng lợi tinh thần", giúp ông lấy lại danh dư vì được minh oan và trở thành người vô tội.
Từ năm 1989, Hà Nội bắt đầu sửa sai chiến dịch Z30 theo thông báo số 83 TB/TƯ ngày 8/8/1986 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: "Đối với những trường hợp kết luận, xử lý sai phải trả lại nhà và tài sản thu giữ của họ". Theo đó, ngày 1/9/1990, Hà Nội ra công văn số 4071 do Chủ tịch UBND Lê Ất Hợi ký về việc trả lại tài sản cho "Vua lốp". Cho tới ngày 13/2, gia đình ông hân hoan đón nhận ngôi nhà sau gần 7 năm bị thu giữ, trong tiếng pháo ăn mừng của bà con trong làng Ngọc Hà.
Tuy nhiên, nhà được trả lại, nhưng tài sản thì không, "Vua lốp" lại tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng, không mệt mỏi. Và phải 10 năm sau đó, ông mới nhận lại được một phần tài sản của mình. Tất cả những sóng gió đã qua, bão táp rồi cũng lặng. “Vua lốp” được minh oan, ông tiếp tục nghề làm lốp một thời gian rồi truyền lại cho các con cơ nghiệp phải đổi bằng mồ hôi, danh dự lẫn nước mắt.
Ở thời kỳ này, nếu bạn đọc là người Hà Nội thì đều biết, phố Nguyễn Thái Học có thời trở thành phố lốp (ăn theo ông Chẩn) nhưng cửa hàng của gia đình ông đã không còn hoạt động từ lâu. Nhưng năm sau đó, phố cũng chuyển nghề theo thời cuộc, ngày 20/5/2013, "Vua lốp" một thời nổi tiếng đất Hà thành đã vĩnh viễn rũ bỏ cõi đời trần tục, đầy bi kịch của một người đi trước thời cuộc…
Kết thúc câu chuyện về những thăng trầm trong cuộc đời “Vua lốp, bạn đọc có thể thấy, sau thời kỳ đổi mới, từ những "hiện tượng" “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn trong thực tế cuộc sống, chính sách của Đảng và Nhà nước dần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Xã hội có cái nhìn trân trọng hơn với giới doanh nhân. Để có được nhận thức ấy là cả một quá trình trăn trở tự "lột xác", của từ người lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân và quá trình ấy đang diễn ra hằng ngày. Cuộc đời chìm nổi của "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn có ý nghĩa như người tiên phong, đóng góp kinh nghiệm cho sự phát triển của Thủ đô, của đất nước, để cho xã hội có được thế hệ doanh nhân như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm