Gần 3 năm nay, Công ty TNHH TS Vina không đóng bảo hiểm cho người lao động, số tiền lên đến 18 tỷ đồng khiến công nhân lo lắng, đứng ngồi không yên.
Công ty TNHH TS Vina là doanh nghiệp FDI được thành lập năm 2013, chủ sử dụng là người Hàn Quốc, kinh doanh trong ngành may công nghiệp. Công ty thuê nhà xưởng của Tổng Công ty Tiên Sơn để hoạt động đóng trên địa bàn xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Ông chủ nước ngoài “bặt vô âm tín”?
Năm 2014, khi Công ty TNHH TS Vina đi vào hoạt động đã khiến người dân rất vui mừng vì có thêm công ăn việc làm, các dịch vụ thương mại, kinh tế địa phương cũng sẽ phát triển theo.
Sau một thời gian hoạt động, đến tháng 4/2017 công ty này bắt đầu thường xuyên chậm trả lương cho người lao động, nợ đọng BHXH, nợ chế độ ốm đau, thai sản của người lao động, nợ kinh phí công đoàn…. Khiến công nhân liên tục đình công, ôm đơn đi kêu cứu khắp các ban ngành.
Chị Trịnh Thị Hạnh, công nhân của Công ty TS Vina cho biết: “Tôi vào làm công ty từ đầu năm 2015 đến nay. Việc công ty nợ bảo hiểm khiến tôi sinh con không được hưởng chế độ thai sản theo quy định, không chỉ thế công ty còn đang nợ lương tháng 11 và 12/2019 mà không chịu thanh toán cho công nhân lấy tiền tiêu Tết. Chúng tôi đã nhiều lần đình công để yêu cầu ban giám đốc công ty giải quyết các chế độ theo luật lao động cho công nhân nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa xuông”.
Không chỉ có những công nhân lao động bị nợ lương, nợ bảo hiểm mà những người làm dịch vụ nấu ăn, vận chuyển cho công ty này cũng nợ đọng lên đến hàng tỷ đồng.
Khuôn mặt thất thần, bà Trịnh Thị Liên, người nhận nấu ăn cho công nhân của Công ty mếu máo nói: "Tôi nấu ăn cho Công ty từ năm 2014, ban đầu công ty thanh toán rất sòng phẳng. Nhưng từ năm 2015, Công ty bắt đầu nợ tiền thực phẩm của tôi, có khi cộng dồn lên đến 3 tỷ đồng. Sau nhiều lần đòi nợ, công ty thanh toán cho tôi được 1,5 tỷ đồng rồi “mất biến” nhiều lần tôi gọi điện cho giám đốc công ty mà không ai bắt máy. Đây là số tiền rất lớn với gia đình tôi. Nếu bị ăn quỵt chắc tôi phải bán nhà để trả nợ mất”.
Cùng chung cảnh ngộ giống bà Liên, anh Trịnh Văn Ngọc, làm hợp đồng vận chuyển công nhân, hàng hóa với Công ty TS Vina cũng bị công ty này nợ gần 500 triệu. “Vợ chồng tôi đang phải vay mượn khắp nơi để trả lãi ngân hàng nhưng nhiều lần gọi cho giám đốc người nước ngoài mà không liên lạc được”, anh Ngọc thở dài ngao ngán.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 27/06/2019
11:05, 20/12/2018
05:10, 25/11/2018
11:45, 24/11/2018
Chính quyền “bí bách” không biết giúp công nhân bằng cách nào?!
Trước thực trạng người lao động thuộc Công ty TS Vina nợ bảo hiểm lên đến 18 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã gõ cửa các sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa để tìm giải đáp chính đáng của người lao động.
Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Khang, Giám đốc BHXH huyện Yên Định cho biết: “Công ty TS Vina nợ bảo hiểm từ tháng 4/2017. Đã có nhiều đoàn liên ngành của tỉnh, trung ương về kiểm tra và xử phạt đối với Công ty hàng trăm triệu đồng. Công ty này cũng đã nộp phạt và vạch ra kế hoạch trả nợ, nhưng đến nay số nợ là hơn 18 tỷ đồng. Tình trạng doanh nghiệp nước ngoài nếu cứ làm ăn thua lỗ thì bỏ đi, chây ì không chịu trả nợ bảo hiểm đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Tôi đề nghị công an vào cuộc làm rõ các công nợ để có biện pháp giải quyết”, ông Khang bức xúc.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa, ông Anh Tuấn khẳng định: "Đối với Công ty TS Vina thì các đoàn thanh tra, liên ngành của tỉnh, trung ương kiểm tra, thanh tra, xử phạt rất nhiều lần từ năm 2014 đến năm 2019 rồi. Giờ chỉ còn cách khởi kiện thôi, chúng tôi sẵn sàng nhận ủy quyền để đồng hành cùng người lao động. Tôi cho rằng khởi kiện thì đương nhiên Công ty TS Vina thua, nhưng thi hành án bằng gì? Bản thân ông chủ doanh nghiệp không có tài sản ở đây, chỉ thuê mặt bằng nhà xưởng với số lượng máy móc đã qua sử dụng mà giá trị không đáng bao nhiêu. Các cơ quan cũng đang bí chỗ này".
Còn theo ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ sự quan ngại: “Câu chuyện này sẽ rất phức tạp, vì nợ BHXH quá lớn. Những chiếc máy may của ông chủ Hàn Quốc lắp để sản xuất kể cả hàng nghìn chiếc thì giá trị cũng không đáng bao nhiêu, khi ông ấy về nước và để lại nợ bảo hiểm lớn như vậy thì thất thiệt sẽ là người lao động. Đây là bài toán rất khó, quanh đi quẩn lại thiệt thòi vẫn là người lao động”.
Theo ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh đang xử lý vụ việc trên. Cụ thể, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành có liên quan báo cáo, tham mưu để tỉnh có hướng giải quyết. Cũng theo ông Kỳ, nếu Công ty đầu tư một cách chính thống thì căn cứ vào pháp luật đầu tư nước ngoài để áp dụng sẽ dễ hơn. Nhưng Công ty TS Vina lại thông qua hình thức thuê đất lại của doanh nghiệp khác trong nước, nên khó khăn hơn trong quá trình giải quyết.
TheoThông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì có nêu đến việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Cụ thể, nội dung thông tư này nêu: Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định.
Tuy vậy, lại chưa có văn bản pháp luật nào quy định về doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, quy định từ khái niệm doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, quy trình tổ chức thanh lý tài sản, đến việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động; trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng… Điều này tạo ra “kẽ hở” để một số chủ doanh nghiệp lợi dụng, trốn tránh trách nhiệm tài chính với người lao động và nhà nước.