Công nghệ

Thanh Hoá: Chính quyền phải là trung tâm hành động trong chuyển đổi số

Kiều Phiên 07/10/2024 15:00

Để Thanh Hóa sớm trở thành một trong những địa phương tốp đầu của cả nước về chuyển đổi số. Chính quyền phải là trung tâm hành động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số ở mỗi đơn vị

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, sáng 7/10, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa”.

Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực về chuyển đổi số: Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố). Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã...

chuyển đổi số (5)
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, tôi mong các thủ trưởng, cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình", ông Mai Xuân Liêm nói.

Hội thảo lần này là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những góc nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh Thanh Hóa được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam đã định hướng mô hình tăng trưởng dựa trên kinh tế số trong bối cảnh quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thanh Hóa; chia sẻ các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành, lĩnh vực…

PGS-TS Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2011-2020 và từ năm 2021 đến nay luôn trong các địa phương dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên đã có những dấu hiệu chậm lại do mô hình tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa chủ yếu vẫn dựa vào chiều rộng (dựa vào vốn và lao động). Mô hình tăng trưởng này làm cho hiệu quả và chất lượng tăng trưởng thấp. Để duy trì tăng trưởng cao, dài hạn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, vấn đề đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa là chuyển sang mô hình tăng trưởng mới được hậu thuẫn bởi đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất và bền vững.

chuyển đổi số (1)
PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số-Xã hội số, Bộ Thông tin & Truyền thông

PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số-Xã hội số, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, Thanh Hóa hiện đứng thứ 3 cả nước về dân số nhưng GDP xếp thứ 29/63 tỉnh, thành. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Thanh Hóa đạt 7,01%. Toàn tỉnh hiện có 615 doanh nghiệp công nghệ số, xếp thứ 32 cả nước và xếp thứ 5 vùng Bắc Trung Bộ.

Để thúc đẩy kinh tế số, theo PGS-TS Trần Minh Tuấn, Thanh Hóa cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phát triển Khu công nghệ thông tin; tập trung phát triển ngành bán dẫn và điện tử; chuyển đổi số các khu công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, giá trị cao gắn với du lịch, thúc đẩy kinh tế xanh.

"Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động mua bán hàng hóa lên sàn thương mại điện tử: Đề xuất các doanh nghiệp Thanh Hóa tăng cường các hoạt động bán buôn (đặc biệt là nông sản) trên các nền tảng xuyên biên giới, nền tảng số (platform) cho hoạt động bán buôn (Viettel Post). Sản phẩm nông nghiệp phải truy xuất được nguồn gốc và phải gắn với du lịch. Sản xuất nông lâm nghiệp cần hướng tới kinh tế xanh…", PGS-TS Trần Minh Tuấn nhấn mạnh.

chuyển đổi số (3)
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao bằng khen các đơn vị tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số

Tại hội thảo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tôn vinh, khen thưởng 35 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Tổng kết, trao giải cuộc thi trực tuyến trắc nghiệm tìm hiểu về CĐS tỉnh Thanh Hóa năm 2024, Ban tổ chức đã trao 28 giải/4 tuần, gồm 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 12 giải Khuyến khích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hoá: Chính quyền phải là trung tâm hành động trong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO