Thương mại điện tử được xem là thị trường đầy tiềm năng tại Thanh Hóa. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa lại đang hờ hững, thiếu sự quan tâm, đầu tư để phát huy hết thế mạnh của nó.
Theo xếp hạng đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc ứng dụng thương mại điện tử để thấy được sự ưu việt như tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và chi phí được tối ưu. Trong khi đó, với cách làm truyền thống khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, có thể mất hàng tháng mới đến được các thị trường mong muốn, điều này dẫn đến chi phí sản phẩm tăng cao và chất lượng giảm sút.
Trong đó, việc ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như sự phát triển của hệ thống thương mại trong tỉnh. Cùng với sự lan rộng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, sự phổ biến điện thoại thông minh, máy tính bảng tham gia mạng xã hội…Ngày càng có nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp đang tìm cách khai thác và tương tác với người dùng trên những thiết bị thông minh.
Cùng sự nhạy bén với xu hướng mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh đầu tư cho quảng cáo trực tuyến, tạo ra một bức tranh đầy sắc thái và đa dạng phát triển ngành thương mại điện tử. Tuy nhiên, con số để nhiều doanh nghiệp quan tâm đến ngành Thương mại điện tử cũng đang còn rất ít. Mặt khác, hiện nay nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của Thương mại điện tử ở nhiều doanh nghiệp Thanh Hóa chưa được đầy đủ và chưa đúng mức, việc mua hàng theo kiểu truyền thống, dùng tiền mặt vẫn đang là rào cản lớn đối với việc thúc đẩy phát triển Thương mại điện tử.
Ông Trịnh Minh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ, Truyền thông Minh Khang cho biết: Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Thanh Hóa, “sau 4 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông (thiết kế web, logo, quảng cáo trực tuyến, xây dựng chiến lược truyền thông…) với khó khăn ban đầu lớn nhất là tiếp cận và làm thay đổi tư duy marketing của khách hàng, bởi đa số các chủ doanh nghiệp còn tư duy marketing theo lối truyền thống (biển bảng, tờ rơi, lập Web...). Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu về quảng cáo trực tuyến tại Thanh Hóa đang tăng nhanh, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập hoặc chủ doanh nghiệp là các thế hệ trẻ 8x, 9x, đây là tệp khách hàng khá tiềm năng để chúng tôi khai thác”.
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2018, tỉnh thành lập mới 3.222 doanh nghiệp và xếp thứ 7 cả nước về thành lập doanh nghiệp mới. Trong quý I/2019 thành lập mới 522 và hơn 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Cùng với tốc độ phát triển doanh nghiệp cao nhất từ trước tới nay và sự bùng nổ số lượng người sử dụng công nghệ điện tử, mạng xã hội, Thanh Hóa đang là thị trường tiềm năng hứa hẹn cho ngành Thương mại điện tử phát triển nhất là lĩnh cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến.