Thanh Hóa: Tuyến đê trăm tỷ đồng nứt toác sau một tháng đưa vào sử dụng

Kim Oanh 24/07/2019 07:40

Một số tuyến đê được đầu tư hàng trăm tỷ đồng tại Thanh Hóa đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt, có những tuyến đê mới đưa vào sử dụng cũng đã bị nứt toác, hư hỏng nặng.

Sau 1 năm sử dụng đã gãy, nứt?

Theo phản ánh của người dân thì tuyến đê chạy qua xã Hoằng Tân, Hoằng Châu và Hoằng Phong đang có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng dù mới 1 năm đưa vào sử dụng.

Tuyến đê chạy qua các xã Hoằng Tân, Hoằng Châu và Hoằng Phong được đầu tư hơn 100 tỷ mới đưa vào sử dụng 1 năm đã nứt toác

Tuyến đê chạy qua các xã Hoằng Tân, Hoằng Châu và Hoằng Phong được đầu tư hơn 100 tỷ mới đưa vào sử dụng 1 năm đã nứt toác.

Chỉ tay vào những vết nứt rộng chừng 5cm, ông Nguyễn Văn T (xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa) cho biết: “Tuyến đê mới chỉ đi vào sử dụng vài tháng đã xuất hiện vết nứt chân chim, sau nứt to dần cả vài cm, kéo dài hàng trăm mét. Thời điểm tuyến đê này thi công, đơn vị đã chở đất đá kém chất lượng, có lẫn rễ cây, bùn về đây san lấp được khoảng 300m. Chỉ đến khi người dân phát hiện và báo sự việc tới cơ quan chức năng đề nghị dừng thi công thì chính quyền mới xuống kiểm tra”.

Tuyến đê có tổng mức đầu tư hơn 107 tỷ đồng, do Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 Thanh Hóa, Công ty CP xây dựng và thương mại số 7 TH và Công ty CP xây dựng thủy lợi Thanh Hóa. Tuyến đê được khởi công xây dựng từ cuối năm 2017 và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2018.

Đoạn đê chạy qua xã Hoằng Phong thuộc gói thầu số 7B1: Xây dựng công trình tu bổ, khôi phục và nâng cấp đê cửa sông Mã, đoạn từ K58+075-K61+870,9, có tổng chiều dài là 3,4 km với mức đầu tư 27,9 tỷ đồng. Dự án này nằm trong gói dự án: Tu bổ, khôi phục và nâng cấp đê cửa sông Mã đoạn từ K55+769-K62+676.

nhiều đoạn mặt đê bị vỡ nát, nứt dài hàng chục mét khiến người dân lo lắng trước mùa mưa bão

Nhiều đoạn mặt đê bị vỡ nát, nứt dài hàng chục mét khiến người dân lo lắng trước mùa mưa bão.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong cho biết: "Trong quá trình thi công, người dân phát hiện nhà thầu sử dụng đất đá thải kém chất lượng để thi công mặt đê, họ đã báo cho UBND xã. Chúng tôi trực tiếp xuống hiện trường và ghi nhận thực tế, cho thấy phản ánh của người dân là đúng".

"Nhà thầu sử dụng loại đá kém chất lượng để san nền với chiều dài hơn 200m. Chính vì vậy, công trình vừa đưa vào sử dụng được 3 tháng thì mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt gãy. Tôi đã nhiều lần báo cáo với lãnh đạo huyện để tìm phương án khắc phục các vết nứt trên bề mặt đê. Hiện tại, tuyến đê này vẫn chưa được chủ đầu tư nghiệm thu bàn giao”- ông Thọ nói.

Ông Khương Anh Tấn - Phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa cũng không phủ nhận việc tuyến đê đang xuống cấp khi sử dụng chưa được bao lâu. Ông này còn cho biết, đã trực tiếp xuống hiện trường sau khi nhận phản ánh và chỉ đạo các phòng ban liên quan khắc phục, sửa chữa các vết gãy.

Mới sử dụng bắt đầu sụt lún nghiêm trọng

Cũng tương tự tuyến đê chạy qua xã Hoằng Tân, Hoằng Châu và Hoằng Phong, tuyến đê kè chắn sóng biển ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có chiều dài hơn 5km cũng đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Được biết, dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đê kè chắn sóng này do UBND huyện Hậu Lộc làm chủ đầu tư được chia làm nhiều gói thầu. Dự án được khởi công xây dựng năm 2009, với tổng số vốn gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Đơn vị thi công tuyến đê chạy qua xã Đa Lộc là Công ty TNHH Phúc Thành (Thanh Hóa) và Công ty TNHH xây dựng Trường Sơn (Nam Định).

Tuyến đê kè biển tại Hậu Lộc cũng đang xuống cấp nghiêm trọng

Tuyến đê kè biển tại Hậu Lộc cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân địa phương tuyến đê được đưa vào sử dụng từ năm  2015 nhưng mới vừa đưa vào sử dụng đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng từ đó đến nay.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chuyên môn tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc tiến hành kiểm tra. Theo biên bản kiểm tra được UBND huyện Hậu Lộc xác định, đoạn đê từ K9+795-K12 thuộc xã Đa Lộc xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đê, với tổng chiều dài khoảng 1,1 km, khe nứt rộng 0,1-5cm.

Tiếp đó, UBND huyện Hậu Lộc đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, nhà thầu thi công khắc phục bằng cách sẽ xử lý vết nứt theo công nghệ phụt và xử lý nứt răm theo giải pháp cào mặt hư hỏng trên đê và đổ lại bê tông mới.

Ngoài ra, UBND huyện Hậu Lộc cũng yêu cầu xã Đa Lộc lập 2 barie để hạn chế xe có tải trọng lớn lưu thông trên đê.

Trước tình trạng nhiều tuyến đê được đầu tư hàng trăm tỷ đã và đang có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần sớm có các biện pháp xử lý, khắc phục trước mùa mưa bão để người dân an tâm sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: Tuyến đê trăm tỷ đồng nứt toác sau một tháng đưa vào sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO