Những năm trở lại đây, phải ghi nhận tốc độ đô thị hóa tại Thanh Hóa tăng nhanh, hạ tầng đô thị được quy hoạch mở rộng, nhưng bài toán chống ngập đô thị lại trở nên khó khăn.
Trong vài năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đang đổi thay nhanh chóng, năm 2010 tốc độ đô thị chỉ đạt 10,4%. Đến năm 2019 tỉ lệ đô thị hóa đạt 27,0%, toàn tỉnh có 31 đô thị, trong đó có một đô thị loại I là thành phố Thanh Hóa, 2 đô thị loại 3 là TP. Sầm Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, 28 đô thị loại 5 là các thị trấn huyện lỵ… Bộ mặt kiến trúc đô thị Thanh Hóa đang ngày một “ thay da, đổi thịt”, từng bước đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng cơ sở, thu hút các nhà đầu tư, quy hoạch xây dựng các dự án lớn. Các đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung, đô thị tại TP. Thanh Hóa nói riêng đang đối mặt với bài toán “chống ngập” mỗi độ mưa bão về.
Thống kê cho thấy hiện trên địa bàn TP. Thanh Hóa tập trung các hệ thống sông lớn như: sông Mã, sông nhà Lê, sông Thống Nhất, ngoài ra còn có các chi giang (hệ thống thoát nước). Qua khảo sát, thành phố có trên 110,622m mương xây; 2,200m mương đất; 16,550m mương ngầm hóa; 22,463m cống hóa…
Người dân sinh sống trên địa bàn TP. Thanh Hóa đã quá đỗi quen thuộc với tình trạng cứ mỗi lần mưa lớn, nhiều tuyến đường đều ngập lụt, ảnh hưởng đến điều tiết giao thông, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt thường nhật của nhân dân. Có một thực tế cho thấy là khả năng tiêu thoát nước tại khu vực thành phố Thanh Hóa quá kém, trong khi hạ tầng thoát nước không được đầu tư tương xứng. Hiện nay đô thị TP. Thanh Hóa đang ngày càng bộc lộ sự quá tải, dân số đông, mật độ phương tiện giao thông dày đặc, quy hoạch trong xây dựng còn nhiều bất cập, lộ rõ nhiều điểm nghẽn trong đô thị.
Một yếu tố khiến tình trạng ngập cục bộ thường xảy ra, một phần do hệ thống cống, rãnh thoát nước tại một số khu vực quá nhỏ và hẹp, nước không chảy kịp; một số hộ dân do cơi nới, xây dựng một số công trình phụ, đường vào nhà làm hẹp dần hệ thống cống, rãnh thoát nước. Mặt khác, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi sang phi nông nghiệp, xây dựng các khu đô thị, nhà xưởng, đất sản xuất nông nghiệp manh mún, ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương…
Ngay tại các tuyến đường trục chính dẫn vào trung tâm thành phố như Khu vực Đại lộ Lê Lợi, khu vực đường Lê Lai, Khu đô thị An Hoạch... hạ tầng chưa được hoàn thiện, thiếu thoát nước mưa mặt đường, mỗi khi mưa lớn thường hay bị ngập.
Anh L.V.D, lái xe buýt chạy tuyến số 4 chạy từ Trường Đại Học Hồng Đức đi Thường Xuân cho hay, mỗi khi mưa lớn, giao thông đi lại khó khăn nhất là khu vực trung tâm thành phố cứ hễ mưa lớn, đường xá lại ngập, xe lưu thông nhiều lần chết máy, di chuyển rất khó khăn.
Để giải quyết bài toán chống ngập úng, Dự án “Xử lý ngập úng khu Phú Thọ 3, phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa” được triển khai. Được biết, dự án này có tổng dự toán trước là trên 14,2 tỷ đồng, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước từ khu Phú Thọ 3, P. Phú Sơn đến sông nhà Lê. Nhưng đến nay Dự án lại đang “ì ạch” trong công tác thi công. Đây là Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán chống ngập úng cho một số phường, xã, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1 TP. Thanh Hóa cho biết: Thời điểm hiện tại công trình thi công được hơn 800/1.300m, còn lại chưa thi công do vướng giải phóng mặt bằng. Trước mắt Ban đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nếu giải quyết xong mặt bằng sẽ hoàn thành thi công công trình trong vòng chỉ hơn 1 tháng. Trước mắt được biết, BQL Dự án đầu tư xây dựng số 1 đã thi công xong một điểm thoát nước cục bộ tại nút giao Lý Nhân Tông và Dương Đình Nghệ.
Có thể bạn quan tâm