Cần một “liều thuốc đặc trị” đủ mạnh để trị căn bệnh “ngập” cho TP.HCM, nếu không, lâu ngày sẽ trở thành căn bệnh mãn tính, khó chữa…
Nguyên nhân chính của sự ngập úng tại TP.HCM chính là hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ. Trong đó, sự bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường giao thông, các công trình nhà cao tầng đã khiến cho không gian của TP.HCM bị bít hết những khe hở để thở. Hiện tượng ngập do mưa và triều cường đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của riêng các lãnh đạo Thành phố, mà còn là của hàng chục triệu dân đang sinh sống tại đây. Điều đáng nói là, mặc dù nhiều năm nay Thành phố đã có nhiều giải pháp để chống ngập, song thực tế vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại.
Chữa căn bệnh “ngập” tại TP.HCM không phải là dễ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chấp nhận bó tay, mà phải tập trung nghiên cứu ra một “liều thuốc” đủ mạnh để chữa trị căn bệnh này một cách triệt để. Nếu không, “căn bệnh” này sẽ thành mãn tính và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp chữa trị căn bệnh này cần dựa trên đồng bộ, từ cách xác định nguyên nhân cho đến giải pháp chữa trị. Cụ thể, cần có các giải pháp hút nước (các trạm chống ngập, úng…) để ngăn tình trạng nước từ trên đổ xuống (mưa), ngoài đổ vào (triều cường dâng lên và cao hơn hệ thống thoát nước).
TS. Lê Thành Công - Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế tư vấn xây dựng D&C, cho rằng nếu không muốn ngập, phải giữ nước lại. Bởi đây là nguyên lý bất biến trong việc tiêu thoát nước. Nơi giữ nước ở Thành phố là các vùng ngập tự nhiên, kênh rạch, hồ chứa nhân tạo và các ống cống của hệ thống thoát nước. Hiện vùng ngập tự nhiên ở Thành phố đang bị thu hẹp theo quá trình đô thị hóa, thể tích chứa nước trong hệ thống cống không lớn và trên thực tế, Thành phố đang rất lúng túng trong việc tạo ra các hồ chứa nhân tạo (hồ điều tiết) để chống ngập.
“Chúng ta đã quên một dung tích chứa nước rất lớn chưa được khai thác phục vụ chống ngập, đó là thể tích chứa nước của các kênh rạch ở Thành phố”, TS. Lê Thành Công nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Giá nào cho xã hội hóa chống ngập TP.HCM?
05:05, 14/06/2020
TP HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bao giờ “về đích”?
05:00, 18/08/2020
Thu phí chống ngập đối với chủ đầu tư cao ốc: Biện pháp “bẻ ngọn”!
05:00, 17/07/2020
TP.HCM: Đừng chống ngập kiểu… đối phó
05:07, 24/06/2020
Đừng chống ngập kiểu đối phó!
21:15, 23/06/2020