Theo kế hoạch vào ngày 19/6 tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ làm việc với Vinachem về việc triển khai kết luận thanh tra liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Trên cơ sở các ý kiến, phân tích về nguyên nhân khó khăn, phương án xử lý và kế hoạch hoàn thành, Thanh tra Chính phủ sẽ tập hợp để báo cáo Thủ tướng. Báo cáo sẽ nêu rõ những nội dung kiến nghị đã thực hiện xong, kèm theo kết quả đạt được; những nội dung kiến nghị chưa thực hiện được, nêu rõ các lý do khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, phương án xử lý và thời gian dự kiến.
Thực trạng bi đát
Theo kết luận thanh tra Vinachem được công bố năm 2012, Thanh tra Chính phủ kiến nghị nhiều nội dung chính liên quan đến cơ chế chính sách, xử lý kinh tế và xử lý hành chính. Cụ thể, về cơ chế chính sách, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Vinachem cần kịp thời hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan đến quy chế quản lý tài chính, quy chế người đại diện phần vốn Nhà nước, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp, cũng như quy định về chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ quản lý Nhà nước tại tập đoàn…
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, đơn thư khiếu nại tố cáo theo thẩm quyền, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, điều chỉnh dự án , đấu thầu, nghiệm thu các hạng mục công trình cũng như việc quản lý tài sản, đất đai theo quy định.
Liên quan đến xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ đề nghị Vinachem thu hồi số tiền 4,652 tỷ đồng và tiền lãi theo quy định do CTCP Pin- Ắcquy Vĩnh Phú chiếm dụng từ năm 2007, chỉ đạo công ty này bàn giao tài sản loại khỏi doanh nghiệp cho Công ty Mua bán nợ số tiền 3,783 tỷ đồng; chỉ đạo Ban Quản lý Đạm Ninh Bình thu hồi số tiền nợ trên 5,5 tỷ đồng cho Công ty Phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Bình vay cũng như xử lý giá trị hơn 86,3 tỷ đồng loại khỏi doanh nghiệp còn nợ đọng.
Ngoài ra, Vinachem cần xuất toán hoàn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp khoản tiền lãi và tiền gửi tại ngân hàng thương mại gần 33,2 tỷ đồng đã hạch toán; thu hồi về Quỹ khoản tiền đã sử dụng cho vay không đúng mục đích 282 tỷ đồng; đồng thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý khoản tiền gần 658 tỷ đồng do chỉ chưa đúng đối tượng, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo kết luận thanh tra, Vinachem cần phải giảm vốn góp 12 tỷ đồng đảm bảo tỷ lệ 37% vốn góp vào Công ty Tài chính cổ phần hóa chất, với lộ trình giảm vốn của Tập đoàn tại công ty này đến năm 2013 đảm bảo đúng tỷ lệ 30%; điều chuyển số tiền 3,1 tỷ đồng tại Công ty TNHH Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất về Tập đoàn; đồng thời điều chỉnh khoản vốn mua cổ phần số tiền 22,29 tỷ đồng tại công ty VICS theo nguyên tắc đảm bảo.
Vinachem cũng được yêu cầu rà soát kết quả, tổ chức thực hiện hiện các hạng mục theo đúng quy định, thiết kế do nhà thầu EPC đã bàn giao theo Biên bản nghiệm thu gói thầu EPC giữa nhà thầu và chủ đầu tư dự án DAP Hải Phòng, sớm nghiệm thu gói thầu số 12 của dự án để đảm bảo điều kiện dự án DAP hoạt động theo đúng quy định…
Liên quan đến kiến nghị xử lý hành chính, tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị Vinachem tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định…
Có thể bạn quan tâm |
Tương lai sẽ “bơi” trong “biển” nợ?
Thành lập vào cuối tháng 12/2009, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được coi là doanh nghiệp sản xuất hóa chất lớn nhất nước ta. Công ty được đầu tư bởi 100% vốn từ Nhà nước. Với định hướng chiến lược là phát triển kinh doanh đa ngành, đa sở hữu, có trình độ quản lý cao. Trong tương lai, Tập đoàn sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển các ngành trong lĩnh vực hóa chất.
Tuy nhiên, trong hàng loạt những báo cáo trực tiếp gần đây của Bộ Tài chính gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Vinachem dường như không còn đủ khả năng để là “thủ lĩnh” trong hoạt động đầu tư thuộc ngành hóa chất. Theo đó, hàng loạt những dự án thua lỗ bị phanh phui trong giai đoạn 2009 – 2015 đã trực tiếp “lên án” sự bất cập của doanh nghiệp này.
Cụ thể, hàng loạt những “ông lớn” của Tập đoàn này đã được “xướng tên” vì gây ra những tổn hại vô cùng nghiêm trọng đối với nguồn ngân sách đầu tư từ Nhà nước. Trong đó, khoản nợ của Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, được cho là khoản vay nợ đáng chú ý nhất. Đây là dự án có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỉ đồng, do Vinachem sở hữu 100% vốn.
Để có tiền đầu tư, Vinachem đã vay Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc. Dù đã hoạt động và đạt trên 80% công suất, nhưng Đạm Ninh Bình vẫn ngập trong nợ và thua lỗ cùng với khoản vay tín dụng đến hạn trả lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tính đến tháng 4/2018, số tiền phải trả theo thông báo của Ngân hàng gồm cả gốc, lãi phát sinh của tháng 4 và gốc lãi quá hạn chưa thanh toán của tháng 1,2 và 3 là gần 204 tỷ đồng và hơn 140.000 USD. Tuy nhiên, ngày 26/4/2018, Vinachem mới thanh toán được 50 triệu đồng và 200 đôla Mỹ.
Hiện, số tiền mà tập đoàn chưa thể thanh toán cho phía ngân hàng liên quan đến khoản nợ kể trên là trên 203 tỷ đồng và hơn 139.800 USD. Từng là niềm kỳ vọng của ngành hoá chất, nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động (năm 2012), Nhà máy Đạm Ninh Bình luôn chìm đắm trong thua lỗ. Và đây cũng là một trong những khoản nợ của Vinachem khiến dư luận tranh cãi gay gắt trong suốt thời gian qua.