Các đại biểu góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi 4 luật để tháo gỡ những vướng mắc, tạo thông thoáng trong thực thi các quy định về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật sửa đổi 4 luật (Dự thảo) tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định sửa đổi được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.
Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi 4 luật; cho rằng việc xây dựng Luật sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn một số ý kiến đề xuất nhằm bổ sung hoàn thiện Dự thảo.
Góp ý về nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn là hợp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Tuy nhiên, cần có các quy định cụ thể để đảm bảo chất lượng của quy hoạch, đặc biệt là đối với những quy hoạch được điều chỉnh mà không qua quy trình thẩm định.
“Dự thảo cần bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn”, đại biểu này đề nghị.
Về việc bỏ thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, theo đại biểu Thạch Phước Bình, đây là đề xuất hợp lý nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án cấp bách. Song, cần quy định rõ hơn về các trường hợp có thể điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để tránh việc lạm dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc chuyển thẩm quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia từ Quốc hội sang Chính phủ có thể giúp tăng tính linh hoạt và giảm thời gian phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các tiêu chí, điều kiện phù hợp và quy định rõ ràng về thẩm quyền, góp phần giúp đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là một hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.
“Tuy nhiên, quy định này cần phải đi kèm với các tiêu chí cụ thể về năng lực và nguồn lực của từng Ban Quản lý để đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Cũng đưa ra đề xuất để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thông thoáng trong thực thi các quy định về quy hoạch, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng đến mục tiêu lâu dài.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 Luật Quy hoạch (sửa đổi), liên quan đến nội dung nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch, theo đại biểu, nên bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp để giải quyết những trường hợp đang thực hiện dở dang phải thanh quyết toán nội dung “đối với trường hợp đã bố trí nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch và đã thanh toán trước thời điểm Luật có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn đã bố trí mà không cần phải điều chỉnh”.
Đối với Luật Đấu thầu, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, đến lúc phải xem xét sửa đổi một cách tổng thể để hoạt động đấu thầu bảo đảm hiệu quả, công bằng giữa yếu tố giá và chất lượng.
“Thời gian qua còn nhiều bất cập trong đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, do đó việc sửa đổi Luật cần hướng đến thực chất, để việc đấu thầu không mang tính hình thức” đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất bổ sung quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công; các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên được áp dụng như đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công.