Là địa phương đứng thứ 5 toàn quốc về số người tham gia và số thu BHXH tuy nhiên việc thực hiện chính sách liên quan tới bảo hiểm tại tỉnh Bắc Ninh vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Ngày 30/3, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Uỷ viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, trưởng đoàn giám sát BHXH Việt Nam làm việc tại tỉnh Bắc Ninh với BHXH tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Mong muốn được lắng nghe những khó khăn, đề xuất của thực tế thực hiện BHXH tại Bắc Ninh, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Với trên 16 triệu người đang tham gia BHXH, trên 3 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trên 86 triệu người đã và đang được thụ hưởng những ưu việt của chính sách BHYT trong khám chữa bệnh (KCB), đã khẳng định đây là chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống an sinh của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động.
Việc mở rộng, tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT, quỹ BHXH, BHYT, BHTN được quản lý tập trung thống nhất, tăng trưởng bền vững…đã đảm bảo quyền lợi của nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cơ sở Khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, bên cạnh những kết quả khả quan, với đặc thù của việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT bao gồm nhiều khâu, nhiều cơ quan khác nhau cùng triển khai nên không tránh khỏi những tồn tại hạn chế nhất định. Đồng thời, theo yêu cầu của thực tiễn và vận hành trong hệ thống các chính sách kinh tế xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT cũng phải được thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
“Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được Chính phủ quy định, ngày 01/8/2019 Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 2803/NQ-HĐQL phân công cho các Thành viên Hội đồng quản lý phụ trách công tác kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tự nguyện tại các địa phương. Hai năm qua chương trình giám sát đã đạt được những kết quả tích cực, năm 2021 Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 176/KH-HĐQL ngày 20/01/2021 gửi BHXH các địa phương để phối hợp thực hiện”, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh.
Với quan điểm việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội không chỉ của riêng ngành BHXH mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT lần này, nhằm đánh giá đúng mức, phát huy những ưu điểm, nhân rộng những giải pháp sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như chiến lược lâu dài, phù hợp với tình hình và bối cảnh quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trao đổi thẳng thắn về thực tiễn triển khai các chính sách về BHXH trên địa bàn. Từ thực trạng này đưa ra giải pháp phù hợp. ..đặc biệt thu hút doanh nghiệp tham gia đầy đủ bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Đại diện Cty Canon Quế Võ cho biết, tính đến tháng 12/2020, số lao động của doanh nghiệp là 8779 người đóng đủ tất cả các khoản BHXH, BHYT cho lao động, quý I/2021 là 8700 người và đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm không nợ đọng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cho biết còn một số vấn đề như thanh toán ốm cho lao động ốm ½ ngày. Hiện nay, BHXH không thanh toán cho lao động nghỉ ốm ½ ngày khiến lao động thiệt thòi. Do đó doanh nghiệp mong muốn có hướng dẫn.
Cùng với đó là yêu cầu báo giảm lao động sớm khi cho lao động nghỉ việc trước 15-20 ngày. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp lao động không báo trước, hoặc với trường hợp đơn phương cắt hợp đồng, lao động chỉ phải báo trước 3 ngày do đó công ty khó mà đảm bảo được việc báo giảm sớm cho lao động nghỉ việc như yêu cầu.
“Do đó, doanh nghiệp mong muốn được hướng dẫn cụ thể và chỉ thị xuyên suốt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ đảm bảo quyền lợi người lao động”, đại diện Canon Quế Võ đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thanh, đại diện TCT May Đáp Cầu, năm 2020, doanh nghiệp có 1990 người lao động, số tiền đóng BHXH cho người lao động là 28,4 tỷ đồng, tính tới quý I/2021, doanh nghiệp có 1990 người lao động, đóng hơn 9 tỷ đồng tiền bảo hiểm cho người lao động. Do là lĩnh vực may mặc nên nhiều lao động là nữ cũng như có nhiều lao động ốm đau thai sản, riêng năm 2020, tại doanh nghiệp đã có 1.300 lượt người lao động đi khám chữa bệnh, thanh toán số tiền là 3,9 tỷ.
Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19 doanh nghiệp cũng mong muốn giảm tỷ lệ đóng BHXH cho người lao động.
Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Đức Cường, Giám đốc BHXH Tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm 2020 số người tham gia BHXH là 1.350.000 người, tăng gần 5% so với năm 2019, chiếm 93,4% dân số. Quý I/2021, số người tham gia BHXH khoảng 1.349.000 người, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 0,54% với tháng 12/2020, đạt 98,3% kế hoạch giao.
Về khó khăn, Giám đốc BHXH Tỉnh Bắc Ninh cho biết năm 2019, năm 2020 và quý I/2021 chính sách BHYT có nhiều thay đổi đã tác động tới việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT thời gian qua.
Tình trạng sử dụng quỹ BHYT tăng nhanh do giá dịch vụ kỹ thuật thay đổi theo giá quy định tại Thông tư 37/TT-BYT-BTC, thông tư 15/TT-BYT-BTC, thông tư 39/TT-BYT-BTC “quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hàng trên toàn quốc”.
Cùng với đó, việc liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT ở hầu hết các cơ sở nhưng dữ liệu XML còn lỗi dẫn đến vẫn còn hồ sơ gửi không đúng ngày.
Do phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, lương của nhân viên y tế được kết cấu trong gía dịch vụ y tế, một số dịch vụ y tế mức giá cao. Có cơ sở khám chữa bệnh chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng rộng rãi, có trường hợp chỉ định không phù hợp….dẫn đến chi phí bình quân cao hơn toàn quốc và một số tỉnh lân cận.
Vẫn còn trường hợp cơ sở khám chữa bệnh quản lý bệnh nhân chưa thật sự chặt chẽ, bệnh nhân nằm viện tại khoa điều trị còn vắng mặt khi kiểm tra….
Đặc biệt, theo ông Phạm Đức Cường, thời gian vừa qua, do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, nợ đọng kéo dài không có khả năng chi trả nợ, thực tế nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí không có doanh thu, dừng hoạt động…từ đó không có tiền trả lương cho công nhân và nộp BHXH, dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT tăng cao
“Công tác thanh kiểm tra đột xuất cũng gặp khó khăn do dịch bệnh phải dừng các cuộc thanh kiểm tra thường xuyên cũng như đột xuất dẫn tới số nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng cao”, ông Cường nhấn mạnh.
Về công tác chi trả BHXH, BHYT, BHTN, tổng chi BHXH năm 2020 là 3.533 tỷ đồng cho 277.000 người, quý I/2021 là 771 tỷ đồng cho hơn 84.000 người. Trong đó, có nhiều trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện đầy đủ về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH gây khó cho cơ quan BHXH trong việc kiểm tra, đối chiếu, rà soát trước khi giải quyết chế độ BHXH.
“Cũng có trường hợp người hưởng trợ cấp BHTN có việc làm nhưng không khai báo trung thực với trung tâm dịch vụ việc làm, cũng như khó khăn trong thu hồi trợ cấp BHTN…”, ông Cường cho biết.
Ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp và địa phương, ông Hoàng Quang Phòng đề nghị các cơ quan liên quan ghi nhận tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phó Chủ tịch VCCI cũng nhận định Bắc Ninh đã thực hiện tốt cho việc phát triển bao phủ BHXH cho người dân.
“Nhưng dư địa vẫn còn nhiều cho việc phát triển nguồn thu, đi đúng đối tượng đáng được thụ hưởng được thụ hưởng, tránh bội chi… Tất cả các địa phương như Bắc Ninh phải đảm bảo phát triển được nguồn thu, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển có nguồn lực cho thực thi chính sách”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Về phần mình, BHXH Bắc Ninh đề xuất, các cơ quản quản lý cần thống nhất các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, nhất là công tác giám định chi phí KCB BHYT phù hợp, kịp thời. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin có nhiều chức năng thuận lợi cho công tác kiểm soát, giám sát chi phí KCB BHYT từ cơ sở đến Trung ương.
Đồng thời, ban hành đầy đủ các phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị đầy đủ và chi tiết hướng dẫn các cơ sở KCB trong hoạt động KCB BHYT và công tác thanh quyết toán BHYT. Xây dựng cơ cấu chi phí DVKT đảm bảo phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thanh toán KCB BHYT kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện.
Có thể bạn quan tâm