Câu chuyện Bảo hiểm xã hội (Bài 3): Nghiêm túc để đôi bên cùng có lợi

TUẤN VỸ 26/08/2020 05:00

Việc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động sẽ là yếu tố quyết định để đôi bên cùng có lợi, cùng phát triển.

Doanh nghiệp sẽ là người được hưởng lợi nhiều hơn nếu như thực hiện đầy đủ trách nhiệm an sinh xã hội đối với người lao động (NLĐ).

Người lao động yên tâm sản xuất

Các chế độ của bảo hiểm xã hội được ví như “giá đỡ an toàn” cho người lao động (NLĐ) khi họ gặp các rủi ro trong cuộc sống dẫn đến mất hoặc giảm sút thu nhập. Chính vì thế, pháp luật lao động đã quy định khi phát sinh quan hệ lao động thì người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội.

Việc thực hiện đóng BHXH cho NLĐ sẽ góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ. Bất kể NLĐ nào khi thiết lập quan hệ lao động với doanh nghiệp cũng mong muốn có điều kiện và môi trường làm việc tốt, tiền lương và phúc lợi đảm bảo được cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Khi NLĐ được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), được doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ khi gặp khó khăn, NLĐ được tôn trọng, được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,… thì họ sẽ yên tâm hơn trong sản xuất, tận tụy hơn trong công việc.

Bảo hiểm xã hội được xem là

Bảo hiểm xã hội được xem là "giá đỡ an toàn" cho người lao động khi về già.

Bà Nguyễn Thị Liễu (công nhân) cho rằng là một người lao động, hơn hết bản thân mong muốn được hưởng đầy đủ các quyền lợi đáng được hưởng. Bởi lẽ trong thời gian làm việc, NLĐ đã bỏ rất nhiều thời gian để cống hiến, nỗ lực làm việc hết sức mình để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn nên doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ.

“Chúng tôi muốn được đảm bảo tốt hơn quyền lợi, nhân phẩm, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… và đó cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp. Chính sách BHXH có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động như chúng tôi khi về già.” Bà Liễu nói.

Người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp

Đối với một doanh nghiệp thì người lao động chính là một tài sản thật sự của họ, là một trong những yếu tố và cũng là động lực quan trọng để cho sản xuất phát triển. Trong tất cả các yếu tố sản xuất thì con người, nhân lực lúc nào cũng được xem là hàng đầu. Trên thực tiễn, doanh nghiệp coi con người là yếu tố cực kỳ quan trọng, doanh nghiệp phải có một sự chăm sóc đặc biệt với người lao động.

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận phước cho biết hiện nay công ty có 2500 nhân công và phía công ty vẫn thực hiện chế độ bảo hiểm đầy đủ. Mặc dù mùa COVID-19 khó khăn nhưng công ty vẫn không chối từ bất cứ một quyền lợi nào của người lao động. Kể cả đối với các đối tượng là F1, F0 được nghỉ vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ.

Việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm BHXH sẽ là yếu tố giúp cả doanh nghiệp và NLĐ cùng được lợi.

Việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm BHXH sẽ là yếu tố giúp cả doanh nghiệp và NLĐ cùng được lợi.

Bởi lẽ theo ông Lĩnh, cái gì cũng có thể mua trên thị trường một cách dễ dàng nhưng người lao động thì rất khó khăn. Vì người lao động đòi hỏi phải có kỹ năng, phải có tâm, phải gắng bó với doanh nghiệp thì những sản phẩm của họ làm ra mới thật sự tốt được. Do đó người lao động chính là yếu tố chủ động, thông qua họ mới thúc đẩy được tất cả những yếu tố khác phát triển.

“Mặt khác, bất kể các nguồn nguyên liệu nào doanh nghiệp có thể thay đổi ngay một cách dễ dàng nhưng người lao đông muốn thay đổi phải tốn một quãng thời gian nhất định để đào tạo, rèn luyện, tiếp xúc cho nên người lao động rất được coi trọng. Và doanh nghiệp, một người chủ chân chính thì phải biết kính trọng người lao động, coi người lao động như là một thứ tài sản quý giá của mình.” - Ông Trần Văn Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, để làm được điều đó thì người chủ phải hết sức quan tâm, để ý từ trả tiền lương cho NLĐ đủ để cuộc sống của họ tốt lên, như thế họ mới gắn bó với mình dài lâu. Ngoài ra còn phải thực hiện đầy đủ tất cả các nghĩa vụ của một doanh nghiệp đối với người lao động trong đó việc đóng BHXH là cực kỳ quan trọng.

BHXH là một khoảng đóng lâu dài để người lao động yên tâm làm việc. Theo luật BHXH có thể cho người lao động rút tiền theo từng năm nhưng riêng công ty vẫn động viên người lao động hãy cố đóng BHXH và gìn giữ khoản ấy, xem như là một khoản để dành lo cho tuổi già. Đặc biệt ở Việt Nam chính sách tiền lương tăng dần, bây giờ NLĐ đóng ít sau này đồng tiền mất giá thì nhà nước vẫn bảo đảm giá trị về sau tốt hơn.

Ông Lĩnh chi biết từ trước đến nay phía công ty vẫn luôn luôn thực hiện đầy đủ tất cả những nghĩa vụ ấy đối với người lao động và chưa bao giờ phía doanh nghiệp những lần vi phạm nào về vấn đề BHXH.

“Hiện nay Việt Nam có chính sách dừng đóng BHXH, hưu trí, thất nghiệp nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đóng đầy đủ. Có sự quan tâm như thế thì NLĐ mới gắn bó và phía doanh nghiệp sẽ giữ chân được người lao động. Nếu NLĐ đỏ đi thì doanh nghiêp phải tuyển thêm người mới, lúc đó phải mất ít nhất nửa năm để đào tạo. Như thế phía doanh nghiệp mới chính là người chịu thiệt nhiều hơn.” Ông Trần Văn Lĩnh cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Câu chuyện Bảo hiểm xã hội (Bài 1): Khi quyền lợi người lao động bị lãng quên

    Câu chuyện Bảo hiểm xã hội (Bài 1): Khi quyền lợi người lao động bị lãng quên

    11:30, 24/08/2020

  • Câu chuyện Bảo hiểm xã hội (Bài 2): Những “chiêu trò” lách luật

    Câu chuyện Bảo hiểm xã hội (Bài 2): Những “chiêu trò” lách luật

    02:09, 25/08/2020

  • Nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, 7 doanh nghiệp, đơn vị bị đề nghị xử lý hình sự

    Nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, 7 doanh nghiệp, đơn vị bị đề nghị xử lý hình sự

    10:41, 18/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Câu chuyện Bảo hiểm xã hội (Bài 3): Nghiêm túc để đôi bên cùng có lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO