Doanh nghiệp dựa vào “kẻ hở” nào để trốn, đóng Bảo hiểm xã hội đối với người lao động?
Có muôn màu muôn vẻ các kiểu lách luật để trốn, không đóng, hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH). Những hành vi này càng khó bị phát hiện khi mà người sử dụng và người lao động “hợp tác” với nhau qua mặt Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Những “chiêu trò”, “kẻ hở” nào để lách luật?
Thực hiện đúng chính sách về BHXH có ý nghĩa lớn trong việc ổn định cuộc sống của người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro, khi không thể làm việc hoặc lúc tuổi già để duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình của người lao động.
Theo Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty luật FBVN thực tế có muôn vẻ kiểu “lách luật” để doanh nghiệp trốn, không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội. Phổ biến nhất vẫn là không ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc ký HĐLĐ dưới 01 tháng với người sử dụng lao động.
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì chỉ những NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên mới thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời, Khoản 2 Điều 16 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định “Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”. Về cơ bản những hành vi kể trên là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu người lao động và đơn vị sử dụng lao động cùng “hợp tác” với nhau thì cơ quan chức năng khó có cơ sở để phát hiện các vi phạm của những người trong cuộc.
“Bên cạnh đó còn có những chiêu trò khác như chuyển phụ cấp lương thành các khoản chế độ và phúc lợi khác. Ký kết hợp đồng thuê khoáng, Hợp đồng hợp tác kinh tế và các loại Hợp đồng khác để thay thế cho Hợp đồng lao động. Ký kết Hợp đồng thử việc để che dấu Hợp đồng lao động hoặc kéo dài thời gian thử việc. Hoặc chấm công lao động dưới 14 ngày trong một tháng.” Luật sư Cao thông tin.
Cũng theo luật sư Cao, để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và của nhân dân. Trong đó quan trọng nhất là phải có biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của đại bộ phận quần chúng nhân dân, phổ biến ý nghĩa, lợi ích của BHXH đến người lao động và người sử dụng lao động.
“Hơn lúc nào hết, NLĐ phải tự bảo vệ bản thân bằng cách lên tiếng để người sử dụng lao động tham gia đầy đủ về BHXH. Có như vậy thì tính ưu việt và ý nghĩa của BHXH, các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước mới bảo đảm phát huy được hết tác dụng.” Luật sư Lê Cao nhấn mạnh.
Chế tài nào cho các doanh nghiệp cố tình vi phạm?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người làm việc theo hợp đồng lao động (từ đủ 1 tháng trở lên) và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì hành vi “Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp” là hành vi bị nghiêm cấm.
Người thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Phải chịu xử lý cả về hành chính lẫn hình sự.
Kể từ ngày 15/4/2020, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Sau đây gọi tắt là Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020).
Đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020).
Đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng (Khoản 6 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020).
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng và buộc nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền trốn đóng, không đóng.
Đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý về hình sự về tội “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” quy định tại Điều 216 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi là “Bộ Luật hình sự 2015”).
Kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 (ngày Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực), người thực hiện hành vi Trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 50 triệu đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người trở lên và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Cụ thể, Điều 216 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ như sau: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Nếu phạm tội 02 lần trở lên. Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động. Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên. Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên. Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.
Luật sư Lê Cao cho rằng pháp luật hiện nay đã có đủ chế tài để xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, dường như là tác dụng răn đe, giáo dục của pháp luật trong trường hợp này chưa đạt được hiệu quả cao khi thực tế vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình lách luật, trốn tránh hoặc đóng không đầy đủ số tiền phải đóng BHXH cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm