Nghiên cứu - Trao đổi

Tháo “vòng kim cô” cho viên chức sáng tạo: Cơ hội hay kẽ hở?

Gia Linh 15/04/2025 00:30

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép viên chức tham gia doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Liệu đây là cơ hội hay rủi ro về xung đột lợi ích?

Lần đầu tiên, một dự thảo luật đã đề xuất mở cửa cho viên chức, bao gồm cả viên chức quản lý, được tham gia thành lập, góp vốn, quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là nội dung nổi bật trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định trong tuần qua.

thao-vong-kim-co-cho-vien-chuc-sang-tao-co-hoi-hay-ke-ho-1.png
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép viên chức tham gia doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh minh hoạ

Theo dự thảo, việc cho phép viên chức tham gia vào lĩnh vực này được xác định là bước tiến nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập, nơi đang tập trung đông đảo các nguồn lực khoa học của quốc gia.

Tuy nhiên, đi kèm với đề xuất táo bạo này là nhiều câu hỏi chưa có lời giải: Liệu đây có phải là “cởi trói” đúng lúc, hay là mở ra một “vùng xám” dễ phát sinh trục lợi từ khu vực công?

Thực tế, trong nhiều năm qua, câu chuyện viên chức có sáng kiến nhưng không thể triển khai vì vướng rào cản pháp lý không phải là hiếm. Rất nhiều kết quả nghiên cứu bị “đắp chiếu”, không thể thương mại hóa vì người chủ trì đề tài dù có năng lực vẫn bị giới hạn bởi quy định “không được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp”.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang mở ra cánh cửa mới cho viên chức, những người đang nắm giữ tri thức và tiềm năng sáng tạo bước ra khỏi “vòng kim cô” pháp lý để khởi nghiệp và cống hiến. Song, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cánh cửa đó chỉ nên mở khi hành lang pháp lý được dựng lên đủ chặt chẽ, đủ minh bạch và đủ tỉnh táo. Bởi, cải cách mà không có kiểm soát sẽ không tạo ra đổi mới bền vững mà chỉ tạo ra những lỗ hổng mới trong hệ thống.

Ở góc nhìn chính sách, đây có thể là một bước chuyển tích cực trong tư duy quản trị nhà nước, từ tư duy “quản cho chặt” sang tư duy “tạo điều kiện có kiểm soát”. Việc mở lối cho viên chức trong một số lĩnh vực đặc thù là cách để kích thích nguồn lực đổi mới vốn đang bị giam giữ trong hệ thống hành chính.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến từ chuyên gia cảnh báo rằng: việc mở cơ chế quá sớm, khi chưa có hệ thống kiểm soát xung đột lợi ích đầy đủ, có thể tạo điều kiện cho những hành vi lợi dụng chức vụ, vị trí để trục lợi cá nhân, đặc biệt ở những nơi có quyền phê duyệt đề tài, phân bổ ngân sách nghiên cứu.

Một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại việc nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chuyện lập doanh nghiệp “sân sau”, đấu thầu đề tài rồi ký hợp đồng với chính doanh nghiệp của mình. Do vậy, nếu không có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, sẽ sinh ra cơ chế xin–cho trá hình.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La cho rằng, dự thảo lần này là một tín hiệu tích cực, thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng cần rất thận trọng về mặt kỹ thuật lập pháp. Thứ nhất, phải quy định rõ giới hạn phạm vi ngành nghề, chỉ nên cho phép trong các lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Thứ hai, cần có hệ thống minh bạch hóa trách nhiệm giải trình: ai được phép, được làm đến đâu, làm như thế nào, và ai giám sát. Nếu không, sẽ rất dễ sinh ra cơ chế lợi ích nhóm mới”, luật sư Biên nói đồng thời cũng lưu ý rằng, nên cấm tuyệt đối việc sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước hoặc nhân sự thuộc đơn vị công cho mục tiêu cá nhân. Mọi hành vi lách luật như hợp đồng ủy quyền điều hành doanh nghiệp để tránh tên trên giấy cũng cần được nhận diện và xử lý nghiêm.

Trong khi đó, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law nhấn mạnh yếu tố lộ trình.

“Nên thực hiện thí điểm cơ chế này trong phạm vi hẹp. Ví dụ tại một số đại học tự chủ hoặc viện nghiên cứu cấp trung ương. Sau một giai đoạn, khi đánh giá được hiệu quả và rủi ro, Nhà nước có thể mở rộng dần. Đây là cách làm có kiểm soát, tránh tình trạng vừa ban hành đã phải sửa vì vướng quá nhiều hệ lụy”, luật sư Tạ Anh Tuấn góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháo “vòng kim cô” cho viên chức sáng tạo: Cơ hội hay kẽ hở?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO