Theo phản ánh của các chuyên gia và doanh nghiệp, một trong những điểm nghẽn cản trở khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam là bất cập từ chính sách.
Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà, mất thị phần vào tay các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Google, Microsoft.… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các startup Việt Nam có thể trở thành các doanh nghiệp đủ mạnh, đối trọng với những “gã khổng lồ” này?
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp (startup), đến năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ lên khoảng 3.000 doanh nghiệp, nhưng vẫn là con số khiêm tốn.
Theo phản ánh của các chuyên gia và doanh nghiệp, một trong những điểm nghẽn cản trở khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam là bất cập từ chính sách. Nhiều chính sách thiếu nhạy bén, thiếu linh hoạt không chỉ ngăn cản các công ty nội địa tạo ra những công nghệ, sản phẩm đột phá mà còn vô hình trung dọn đường cho các công ty nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường, đánh bật các công ty nội địa.
Thậm chí, sự “thiên kiến” trong chính sách hiện nay đã dẫn đến các đối tượng thụ hưởng rơi vào doanh nghiệp lớn, trong đó chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia, chứ không phải là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực đổi mới sáng tạo của nền kinh tế, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập và Phó Chủ tịch Ví MoMo, chia sẻ việc quy định hiện hành của Việt Nam yêu cầu chỉ những người có tài khoản ngân hàng mới được phép dùng ví điện tử là rất buồn cười.
Hơn nữa, chỉ có công ty Việt Nam mới phải chịu quy định này, còn các công ty nước ngoài, nước ta không thể quản lý. Nếu chờ đến khi pháp luật cởi trói, cho phép những hình thức kinh doanh mới cũng là lúc các doanh nghiệp Việt không còn thị trường để khai thác.
Theo ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ đầu tư công nghệ VinaCapital Ventures, thách thức lớn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang phải đối mặt là quy trình thủ tục chính sách còn tốn khá nhiều thời gian, nhất là các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử hay nội dung số… cần áp dụng mã ngành.
Tuy nhiên, từ góc nhìn quản lý, ông Từ Minh Hiệu, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN), cho rằng ở thời điểm hiện tại, môi trường cho khởi nghiệp, sáng tạo rất thuận lợi. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều công nghiệp hiện đại cho phép doanh nghiệp phát triển không giới hạn về không gian, quốc gia, vùng lãnh thổ.
Mặt khác, theo ông Hiệu, khó khăn mà các startup đang gặp phải là chất lượng nguồn nhân lực kém, tinh thần khởi nghiệp dám chịu thất bại còn rụt rè, sự liên kết giữa các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Vì vậy, người khởi nghiệp cần nắm vững kiến thức nền tảng, để có bước đi về sau đúng đắn. Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, tuổi khởi nghiệp đạt thành công cao nhất không phải ngay lập tức khi tốt nghiệp đại học, bỏ học như một số trường hợp điển hình mà là tuổi khi đi làm một vài năm, tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức, có những tư duy, lý tưởng đột phá trong ngành, lĩnh vực chuyên sâu của mình, tạo ra sản phẩm có chất lượng, từ đó phát triển từ startup lên thành doanh nghiệp lớn, tập đoàn xuyên quốc gia.
Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V - Startup Việt Nam, cũng cho rằng một phần lý do khiến startup chịu thất bại là sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng mong muốn, hy vọng, suy nghĩ của người sáng lập chứ không phải là nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, startup muốn vươn tầm ra bên ngoài, sản phẩm cần đáp ứng được cả nhu cầu của thị trường thế giới. Đây cũng là mấu chốt để nhà đầu tư quyết định có hay không rót vốn cho startup.
Tại Hội thảo “Nền kinh tế đổi mới sáng tạo – Kinh nghiệm của Israel” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 19/6, Gs. Avishay Braverman, đến từ Israel, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về đổi mới, sáng tạo của quốc gia này.
Từ một mảnh đất chỉ có cát sa mạc và hầu như không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, Israel phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn và các cuộc xung đột, đã đánh bại số phận và trở thành quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới.
Gs. Avishay Braverman cho hay Israel là hiện tượng phát triển nhờ có sự đổi mới, sáng tạo và hiện thực nó vào cuộc sống. Ở đất nước này, mọi thứ đều đổi mới hàng ngày, mọi thách thức đều là cơ hội, mọi cá tính đều được thừa nhận và phát triển.
Vị chuyên gia Israel khuyến cáo Việt Nam cần phải đầu tư trường học, kết hợp với doanh nghiệp nghiên cứu kiến thức mới phù hợp với thời đại này. Để 10 – 20 năm nữa, người Việt phải là người đứng đầu vận hành các công ty khổng lồ thế giới, thay vì người Nhật Bản, người Hàn Quốc, Mỹ…
Theo GS. Avishay Braverman, thực tế đa số công ty startup gặp thất bại, lên tới 95% công ty hoặc hơn. Phần rất nhỏ thành công hoàn toàn có thể trở thành Amazon, Google. Chính vì thế, vai trò của Chính phủ là phải khuyến khích họ thất bại. Muốn người dân dám chấp nhận rủi ro tham gia làm một việc gì đó cần có chính sách bảo hiểm để khuyến khích người dân tham gia khởi nghiệp.
“Người Việt thông minh không kém gì người Israel, người Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu có một tầng lớp lãnh đạo đưa ra chiến lược khơi dậy và khai thác được hay không Thế giới đang ở thời đại thay đổi hàng ngày với trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng… Liệu Việt Nam sẽ tự vẽ và chỉ đường, dẫn lối cho mình được hay không. Tôi mong là 19 năm nữa, khi tôi 90 tuổi quay trở lại đây sẽ chứng kiến một đất nước Việt Nam thịnh vượng”, vị chuyên gia Israel nói.
Nhắc tới mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng, một đất nước phát triển vào năm 2045, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cũng đặt ra vấn đề: “Việt Nam được biết đến là quốc gia thành công trong chiến tranh nhưng hiện tại vẫn chưa thành công lắm trong việc xây dựng Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. So với thế giới, Việt Nam có dân số đông, diện tích trung bình nhưng xét về GDP bình quân đầu người thì là một nước nghèo”.
Vì vậy, ông Cung cho rằng phát triển công nghệ là con đường của sự phát triển. Trong đó, người lãnh đạo, người quản lý phải thực dụng, linh hoạt và năng động, hay nói cách khác là luôn khuyến khích, hỗ trợ cho sự đổi mới, sáng tạo.