Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Có nên tiếp tục?

KHÔI NGUYÊN 10/09/2022 03:30

Tự chủ bệnh viện là con đường duy nhất để giải quyết những khó khăn bất cập hiện nay của ngành y tế. Tuy nhiên mỗi bệnh viện có đặc thù riêng nên cần có Nghị quyết riêng cho từng bệnh viện…

>>Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Do thiếu cơ chế pháp lý

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ xung quanh câu chuyện bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện và bệnh viện K cũng muốn “theo gót” được dư luận quan tâm những ngày gần đây. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, không tự chủ bệnh viện thì không thể tự chủ được trả lương, không tránh được việc cán bộ y tế giỏi nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm như thời gian qua.

Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 4.000 - 6.000 người đến khám, thường xuyên quá tải

Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 4.000 - 6.000 người đến khám, thường xuyên quá tải. Ảnh: TĐ

Theo đó, năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện là 2 năm. Tuy nhiên đến nay chỉ có 2 bệnh viện thực hiện Nghị quyết nhưng lại đề xuất xin dừng thí điểm vì gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý.

Nêu quan điểm xung quanh câu chuyện này, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, một nhiệm vụ hết sức cấp bách của ngành y tế lúc này là phải tổ chức lại hệ thống y tế cho phù hợp. Trong đó các Sở y tế thì tập trung vào làm công tác quản lý nhà nước, công tác khám chữa bệnh và quản lý y tế dự phòng. Đối với các bệnh viện thì Bộ Y tế phải hình thành ra nhóm các bệnh viện khu vực, trực thuộc Bộ và xây dựng nó thành bệnh viện tuyến cuối ở từng khu vực, như vậy mới giảm tải được cho các bệnh viện đặc biệt.

Vấn đề thứ 3 cần có trong nghị quyết mới là phải nâng cao chế độ cho cán bộ y tế. Cái này không lấy tiền từ ngân sách nhà nước mà từ chính công sức cán bộ y tế bỏ ra, tức là cho phép họ tính đúng tính đủ đầu vào… Như vậy tự chủ ở các bệnh viện là con đường duy để giải quyết được vấn đề này của ngành y tế.

“Không tự chủ bệnh viện thì không thể tự chủ được trả lương, cán bộ y tế giỏi nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm như thời gian qua là không tránh được”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

>>Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Mừng hay lo?

ảnh: bệnh nhân đến khám tại BV Bạch Mai

Bệnh nhân đến khám tại BV Bạch Mai. Ảnh: N.Y

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, vấn đề tự chủ xảy ra bất cập với những trường hợp như trước khi tự chủ, chúng ta rà soát không đầy đủ các điều kiện, cơ sở. Ví dụ như điều kiện trước khi tự chủ là cơ quan chủ quản đều rà soát (về cơ sở vật chất, tiềm năng con người…), khi đầy đủ các điều kiện đó, cơ quản chủ quản mới quyết định cho đơn vị đó tự chủ.

“Tự chủ mới có thể thể hiện được năng lực, sự sáng tạo nhưng có lẽ giờ đây chúng ta cần phải nhìn nhận lại câu chuyện tự chủ một cách thấu đáo hơn” - PGS.TS Bùi Thị An nói.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, giải pháp tháo gỡ, mở rộng mô hình tự chủ bệnh viện công quan trọng nhất vẫn là là vấn đề con người, các cơ quan chủ quản chọn được đội ngũ lãnh đạo của cơ quan tự chủ đó. Tất cả mọi chủ trương chính sách, thiết bị… vẫn là chủ trương, còn người tổ chức thực hiện (con người cụ thể), tức là những người lãnh đạo cụ thể ở đơn vị đó chọn cho đúng người. Đây là giải pháp quan trọng nhất. Đây là vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý, phải quản lý thật chặt, giám sát họ trong quá trình thực hiện có sai sót phải điều chỉnh ngay.

Theo các chuyên gia, Chính phủ tìm cách tháo gỡ những bất cập khi thực hiện tự chủ bệnh viện, nếu chưa tháo gỡ được, chúng ta phải bình tĩnh xem lại chủ trương này. Các chuyên gia cũng cho rằng, tự chủ bệnh viện mặc dù được xem là có những lợi ích nhất định cần được nghiên cứu thấu đáo, có lộ trình và điều kiện cụ thể để áp dụng theo từng phạm vi và mức độ tự chủ.

Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. “Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế” - ông Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị đánh giá, sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

“Theo Nghị quyết 33, bệnh viện K và bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ Nhân dân.

Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Có thể bạn quan tâm

  • Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Do thiếu cơ chế pháp lý

    Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Do thiếu cơ chế pháp lý

    03:40, 08/09/2022

  • Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Mừng hay lo?

    Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Mừng hay lo?

    03:30, 09/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Có nên tiếp tục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO